Kỹ sư đặc thù chuyên sâu 180 TC Kỹ thuật Hạt nhân

Mô hình đào tạo

Sinh viên ĐHBK Hà Nội có nhiều lựa chọn về ngành học và hướng phát triển nghề nghiệp theo nguyện vọng và năng lực cá nhân. Mô hình đào tạo của Trường được đổi mới theo hướng tích hợp, linh hoạt và hội nhập quốc tế, hỗ trợ tốt nhất cho người học phát triển sự nghiệp của mình.

Hình 1: Mô hình đào tạo của Trường ĐHBK Hà Nội

Hệ Cử nhân (4 năm) được thiết kế cho đối tượng sinh viên có định hướng muốn tham gia sớm vào thị trường lao động. Học hệ này, sinh viên được trang bị đầy đủ các kiến thức nền tảng cơ bản, kiến thức cơ sở chuyên môn vững chắc để có thể thích ứng tốt với lĩnh vực rộng của ngành học, chú trọng đến năng lực thiết kế và phát triển hệ thống, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, và kỹ năng chuyên môn phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực Vật lý trong và ngoài nước. Hệ đào tạo này được thiết kế nhằm giải quyết bài toán thiếu trầm trọng nguồn nhân lực Vật lý chất lượng cao trong và ngoài nước.

Tuy nhiên nếu muốn phát triển nghề nghiệp theo hướng trở thành các chuyên gia không những được trang bị tốt kiến thức nền tảng, mà còn được trang bị các kiến thức và kỹ năng chuyên sâu theo các định hướng hẹp, sinh viên có thể lựa chọn loại hình đào tạo tích hợp: Cử nhân – Kỹ sư; hoặc Cử nhân – Thạc sỹ.

Sản phẩm đầu ra của các chương trình Kỹ sư và Thạc sỹ này sẽ là các chuyên gia có năng lực làm chủ và phát triển công nghệ, góp phần tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng khoa học và công nghệ cao. Các chuyên gia này có thể làm tại các bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) của các tập đoàn, các công ty trong và ngoài nước; có thể tự khởi nghiệp (startup) để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình; hoặc có thể tiếp tục phát triển sự nghiệp học vấn (tiến sỹ) để trở thành những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực.

Trong hai chương trình tích hợp thì:

Cử nhân-Kỹ sư (5 năm): chương trình kỹ sư hướng tới việc trang bị các kiến thức chuyên môn hẹp, sâu, cập nhật, và theo định hướng công nghiệp và ứng dụng, để sinh viên sau khi ra Trường có thể sẵn sàng đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật then chốt tại các công ty, tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước. Danh vị Kỹ sư Bách khoa đã có truyền thống đáng tự hào hơn 60 năm qua. Kỹ sư Bách khoa nói chung, và Kỹ sư Vật lý Bách khoa nói riêng đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các tập đoàn, tổng công ty, và các cơ quan quản lý, các tổ chức nghề nghiệp quan trọng trong nước và quốc tế.

Chương trình tích hợp Cử nhân-Thạc sỹ (5,5 năm): chương trình thạc sỹ hướng tới việc trang bị các kiến thức chuyên môn hẹp, sâu, cập nhật, và theo định hướng nghiên cứu và học thuật để sinh viên sau khi ra Trường có thể làm việc tại các bộ phận nghiên cứu – phát triển (R&D) của các công ty, tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước. Ngoài ra, sinh viên có định hướng học lên nghiên cứu sinh, trở thành tiến sỹ, chuyên gia đầu ngành thì chương trình cử nhân – thạc sỹ là sự lựa chọn đúng đắn. Chương trình được thiết kế để đào tạo sinh viên thông qua nghiên cứu tại các hệ thống phòng thí nghiệm chuyên sâu của Viện, đảm bảo sinh viên được tiếp cận với các các kiến thức mới nhất, cập nhật theo xu hướng phát triển của Thế giới.

Các ngành đào tạo:

Hiện tại, Viện cung cấp chương trình đào tạo dựa trên 2 ngành:

Ngành Vật lý kỹ thuật (VLKT): được thiết kế theo định hướng ứng dụng và nghiên cứu với mục đích trang bị cho sinh viên khả năng thiết kế, đề xuất và triển khai các giải pháp kỹ thuật cũng như kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề thực tiễn thông qua các khối kiến thức cơ bản về toán học và vật lý; các kiến thức của ngành học với những định hướng như: vật liệu và linh kiện điện tử – công nghệ nano, năng lượng mặt trời; quang học – quang điện tử; vật lý tin học và lập trình ứng dụng…

Ngành Kỹ thuật Hạt nhân (KTHN): đào tạo nhân lực có trình độ cao vận hành, nghiên cứu, thiết kế và phát triển các thiết bị, hệ đo đạc – chiếu xạ trong kỹ thuật hạt nhân và y học bức xạ hạt nhân, với kỹ năng làm việc trong nhóm đa ngành và môi trường quốc tế.

Các chương trình đào tạo

Hệ đại học

Các chương trình đào tạo chuẩn: đây chủ yếu là các chương trình đào tạo truyền thống mà Viện đã cung cấp hơn 30 năm qua. Hiện tại có 2 chương trình:

Chương trình Vật lý kỹ thuật (mã tuyển sinh: PH1):

  • Cử nhân Vật lý kỹ thuật (4 năm): theo 3 định hướng phân nhánh ở 2 năm cuối: Vật liệu điện tử và công nghệ nano; Quang học và Quang điện tử; Vật lý tin học và lập trình ứng dụng.
  • Kỹ sư Vật lý kỹ thuật (4 + 1 năm): 03 định hướng chuyên sâu: Vật liệu điện tử và công nghệ nano; Quang học và Quang điện tử; Vật lý tin học và lập trình ứng dụng.

Chương trình Kỹ thuật Hạt nhân (mã tuyển sinh: PH2):

  • Cử nhân Kỹ thuật Hạt nhân (4 năm): theo 2 định hướng phân nhánh ở 2 năm cuối: Kỹ thuật hạt nhân; Y học bức xạ hạt nhân.
  • Kỹ sư Kỹ thuật Hạt nhân (4 + 1 năm): 02 định hướng chuyên sâu: Kỹ thuật hạt nhân; Y học bức xạ hạt nhân.

Chương trình đào tạo đặc biệt của Trường:

Chương trình Cử nhân Tài năng Công nghệ nano và quang điện tử: dành cho những sinh viên xuất sắc nhất, có chí hướng trở thành nhà nghiên cứu, giảng viên và chuyên gia giỏi. Chương trình tuyển sinh viên theo diện tuyển thẳng (đạt giải Olympic quốc gia, quốc tế), hoặc thi tuyển từ các sinh viên đỗ điểm cao vào Trường.

Hệ thạc sỹ:

Hệ tiến sỹ:

STT Mã số Tên chuyên ngành
1 9440103 Vật lý lý thuyết và vật lý toán
2 9440104 Vật lý chất rắn
3 9520401 Vật lý kỹ thuật