1. Giới thiệu chung
- Tên Tiếng Anh: Department of Nuclear Engineering and Medical Physics
- Địa chỉ: P411-C10, Đại học Bách khoa Hà Nội
- Trưởng nhóm môn: TS. Nguyễn Tất Thắng
- Tel: (+84) 024 3623 1449
Kỹ thuật Hạt nhân là ngành kỹ thuật tập trung giải quyết các bài toán khoa học và ứng dụng các quá trình bức xạ hạt nhân bao gồm hai lĩnh vực chính là: 1) Năng lượng hạt nhân(gồm các quá trình giải phóng, kiểm soát và khai thác năng lượng hạt nhân phục vụ sản xuất, đời sống, an ninh quốc phòng) và 2) Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu, công nghiệp, y học và an ninh quốc gia.
2. Lịch sử
Bộ môn Vật lý Hạt nhân thuộc Khoa Toán Lý, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được quyết định chính thức thành lập năm 1970. Việc thành lập Bộ môn Vật lý Hạt nhân (sau đổi tên thành Bộ môn Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường từ 24/02/2000) đã được Cố Giáo sư Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, Giáo sư Thứ trưởng Hoàng Xuân Tùy, Giáo sư thứ trưởng Lê Văn Giạng, Giáo sư Hiệu trưởng Phạm Đồng Điện (cùng toàn thể Ban Giám hiệu trường ĐHBKHN), Giáo sư Nguyễn Đình Tứ (từ Viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Đubna về), Giáo sư Nguyễn Như Kim (cựu chủ nhiệm khoa Lý-Điện ĐHBKHN), cùng Giáo sư Lê Băng Sương và một số nhà khoa học khác đã thảo luận và thống nhất trong cuộc họp ở tầng 1 nhà D (gần sân vận động Bách Khoa) vào một tối mùa đông năm 1967. Ngay tại cuộc họp này, phương hướng và mục tiêu đào tạo của Bộ môn đã được định rõ là:
- Ứng dụng đồng vị phóng xạ trong công nghiệp
- Chuẩn bị cho lĩnh vực điện hạt nhân ở nước ta
Giáo sư Lê Băng Sương là người được giao nhiệm vụ xây dựng Bộ môn ngay từ năm 1967 và chính thức là chủ nhiệm Bộ môn suốt 26 năm liên tục cho tới khi nghỉ hưu (từ năm học 1967-1970 đến tháng 8-1995). Từ 1985, Bộ môn Vật lý Hạt nhân trực thuộc Viện Vật lý Kỹ thuật, là một trong những Viện Đào tạo và Nghiên cứu đầu tiên trong Trường đại học. Những người có công lao đặc biệt lớn trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cho Bộ môn là Cố Giáo sư Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, Giáo sư Thứ trưởng Hoàng Xuân Tùy, Giáo sư Thứ trưởng Lê Văn Giạng, Giáo sư Hiệu trưởng Phạm Đồng Điện, Giáo sư Lê Băng Sương, Giáo sư Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu và Cố Giáo sư Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ. Chủ nhiệm Bộ môn trong giai đoạn 1995-2008 là PGS.TS. Nguyễn Quang Sính và PGS.TS. Phùng Văn Duân.
Viện Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường được thành lập từ Bộ môn Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường theo Quyết định số 1534/QĐ- BGDĐT ngày 04 tháng 04 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của nước ta về phát triển nhân lực kỹ thuật hạt nhân để đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế, đời sống và môi trường, trong đó bao gồm cả việc xây dựng và sử dụng các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. Viện trưởng đầu tiên của Viện Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường là PGS.TS. Phùng Văn Duân (2008-2009) và tiếp đó là TS. Trần Kim Tuấn (2009-2018). Năm 2018, căn cứ theo tình hình mới của ngành Kỹ thuật Hạt nhân và định hướng phát triển chiến lược của Nhà trường với yêu cầu tái cấu trúc bộ máy hoạt động một cách hiệu quả, Hiệu trưởng đã ký Quyết định số 2205/QĐ-ĐHBK-TCCB ngày 23/10/2018 về việc sáp nhập Viện Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường vào Viện Vật lý Kỹ thuật; Quyết định số 2466/QĐ-ĐHBK-TCCB ngày 20/11/2018 về việc thành lập Bộ môn Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường trực thuộc Viện Vật lý Kỹ thuật.
Nhìn lại chặng đường phát triển và trưởng thành, Bộ môn Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường – tuy không đông về số lượng – nhưng luôn theo đúng phương hướng và mục tiêu ban đầu nên đã có những đóng góp xứng đáng trong công tác đào tạo và nghiên cứu ứng dụng phục vụ thực tế sản xuất. Đại học Bách Khoa Hà Nội, cụ thể là Bộ môn Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường, Viện Vật lý Kỹ thuật tự hào là cơ sở đầu tiên có các chuyên gia hàng đầu triển khai thành công các phương pháp kiểm tra đánh giá không phá huỷ mẫu (NDT) tại Việt Nam. Trong những năm 1970-1976, các cán bộ của bộ môn Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường bao gồm:GS Nguyễn Nguyên Phong, GS Nguyễn Tiến Lục, GS Nguyễn Mộng Giao, GS Ngô Phú An đã phát triển ứng dụng kỹ thuật NDT sử dụng bức xạ gamma và tia X đầu tiên ở Việt Nam để kiểm tra công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà máy nhiệt điện của Miền Bắc sau mỗi đợt bị bom Mỹ phá hoại, nhà máy thủy điện Đa Nhim, nhà máy nhiệt điện Thủ Đức (kiểm tra mối hàn đường ống dẫn nước cao áp, kiểm tra vết nứt ở tuốc bin). Năm 1998, GS Nguyễn Nguyên Phong, GS Nguyễn Tiến Lục đã tăng cường hợp tác và hoạt động tích cực để thành lập Hội NDT Việt Nam. Ngày nay Hội NDT Việt Nam đã lớn mạnh và phục vụ cho nhiều lĩnh vực kinh tế của đất nước như giao thông, cơ khí, xây dựng, cầu đường, chế tạo máy… Về sau GS Nguyễn Nguyên Phong đã đề xuất một dự án viện trợ kỹ thuật của IAEA cho Đại học Bách khoa Hà Nội để phát triển ứng dụng kỹ thuật NDT ở Việt Nam. Năm 2006, PGS Phùng Văn Duân đã xây dựng được dự án thiết bị cung cấp thêm cho phòng thí nghiệm NDT của bộ môn 02 máy phát Xray (GXL306D, MHF200D), 01 máy đo mật độ truyền qua (Xrite 331X), 01 máy siêu âm kiểm tra bề dày (DG41EZl), 01 thiết bị đo dòng xoáy tần số kép (518869/01), 01 thiết bị nội soi ống cứng… cùng một số trang thiết bị phụ trợ đã góp phần tăng cường đáng kể cơ sở vật chất, đẩy mạnh việc đào tạo và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực NDT cho cả thầy và trò tại bộ môn.
Đội ngũ cán bộ của Bộ môn hiện nay gồm 09 cán bộ giảng dạy và 04 cán bộ kỹ thuật, bao gồm: 01 PGS, 06 TS, và 06 Th.S.
3. Hướng nghiên cứu
Định hướng đào tạo và nghiên cứu của Bộ môn tập trung vào những hướng chính sau:
- Ứng dụng Kỹ thuật Hạt nhân trong lĩnh vực khoa học sức khỏe: Hướng Vật lý Y khoa, Liều lượng và An toàn Bức xạ
- Ứng dụng Kỹ thuật Hạt nhân trong lĩnh vực công nghiệp: Kỹ thuật đo đạc bức xạ tiên tiến, Kỹ thuật kiểm tra không phá hủy mẫu tiên tiến (Micro-CT)
- Ứng dụng Kỹ thuật Hạt nhân trong lĩnh vực quan trắc, bảo vệ môi trường: Kỹ thuật Vật lý Môi trường, Kỹ thuật huỳnh quang tia X
- Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và Máy học (Machine Learning) nhằm nâng cao hiệu quả của Kỹ thuật Hạt nhân
- Ứng dụng Kỹ thuật Hạt nhân trong lĩnh vực Năng lượng và An toàn Hạt nhân
- Thiết bị & Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nghiên cứuMột số thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu
(Cập nhật lần cuối: 14/04/2021)