Chị Nguyễn Thị Hoài An, cựu sinh viên Viện Vật lý kỹ thuật K58, chuyên ngành Vật liệu điện tử và Công nghệ nano, hiện đang là kỹ sư công đoạn (Process Engineer) tại công ty Seoul Semiconductor Vina (Hà Nam) – một trong những doanh nghiệp chuyên về LED hàng đầu trên thế giới. Chị Hoài An “bén duyên” với chuyên ngành Vật liệu điện tử và Công nghệ nano ngay từ khi đang học năm thứ hai tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu những chia sẻ của chị An để biết chị đã đạt được ước mơ trở thành kỹ sư của mình thế nào nhé.
Chị Hoài An chia sẻ là từ cấp ba chị đã biết đến ngành mới là Vật lý hạt nhân và Vật lý kỹ thuật ở Đại học Bách Khoa nên chị đã đăng ký vào học ngành Vật lý ở Bách Khoa. Sau khi học xong năm nhất, sau khi được thầy cô giới thiệu về chuyên ngành Vật liệu điện tử và Công nghệ nano của ngành Vật lý kỹ thuật, chị đã quyết tâm đi theo định hướng Vật liệu điện tử và Công nghệ nano.
Hiện tại chị đang làm kỹ sư công đoạn (Process Engineer) của công ty Seoul Semiconductor Vina ở Hà Nam cho một phân khúc sản xuất chip LED. Công việc của một kỹ sư công đoạn thông thường bao gồm các hoạt động liên quan đến sản xuất và kiểm tra chip, cụ thể là đảm nhiệm các quá trình sản xuất chip bán dẫn. Công việc này bao gồm việc kiểm soát chất lượng, giám sát các thiết bị sản xuất; điều chỉnh thông số sản xuất; kiểm tra, đánh giá và cải tiến sản phẩm.
Công đoạn chị đang làm liên quan đến công nghệ phủ một lớp màng mỏng bảo vệ (protected thin film) lên con chip nên việc áp dụng kiến thức chuyên ngành vào công việc là rất nhiều. Kiến thức chuyên ngành về vật lý và kỹ thuật màng mỏng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phủ vật liệu của 1 con chip.
Theo chị Hoài An thì: “Chuyên ngành mà chị học là Vật liệu điện tử, nên việc được làm trong môi trường hiện tại coi như là ra trường đã làm đúng chuyên ngành mà mình học. Được làm việc trong môi trường như hiện nay là cơ hội giúp chị nâng cao kiến thức và trau dồi thêm kinh nghiệm cho mình hơn”.
Chị cũng chia sẻ thêm là cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên VLKT là rất nhiều, không chỉ ở công ty chị mà còn nhiều công ty khác nữa như SamSung, LG, Vin, Rạng Đông… Ở trong công ty, các anh chị/em cựu sinh viên Viện mình làm khá nhiều vị trí như: kỹ sư R&D; kỹ sư chất lượng; kỹ sư thiết bị hoặc bên công đoạn. Thường thì sau quá trình đào tạo làm quen ban đầu, mọi người rất nhanh chóng thích nghi với công việc. Sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật có ưu điểm về tư duy logic, hiểu biết sâu sắc về bản chất vật lý cũng như công nghệ chế tạo và các phương pháp phân tích, đánh giá LED (Light Emitting Diode – một chuyển tiếp bán dẫn p-n có khả năng phát sáng). Điều này sẽ giúp cho việc thích nghi với công việc trở nên dễ dàng hơn, cũng như giúp ích rất nhiều cho việc phát triển công việc sau này. “Như công ty chị cũng rất muốn tuyển các bạn bên Viện Vật lý nhà mình. Công ty không yêu cầu cao về vấn đề kinh nghiệm, rất hoan nghênh các sinh viên mới ra trường của Viện mình. Nhưng với các bạn có kỹ năng mềm, office, và hiểu biết về chuyên ngành là lợi thế để được tuyển dụng vào các công ty về bán dẫn. Nó giúp mình xử lý công việc dễ dàng, tư duy nhanh và logic hơn”.
Hồi tưởng lại thời sinh viên, kỷ niêm vui nhất trong quá trình học tập của chị là được cô Liên hướng dẫn và tham gia nhóm lab của cô. “Những buổi chạy mẫu trên phòng lab đến tối muộn mới về. Nhưng cô luôn đông viên, định hướng, hỗ trợ cho chị và các bạn trong lab rất nhiều. Sinh viên mà, nhiều khi rất ham chơi hay những buổi bỏ học trên giảng đường nhưng khi được tham gia vào các project nghiên cứu cùng cô, cảm giác mình được nâng cao nhiều kiến thức cho mình ý. Nên các bạn sau này cũng hãy tham gia nhiều hoạt động hơn nhé”.
Cuối cùng, chị Hoài An đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên là ngoài kiến thức được học, việc mình tự đọc thêm tài liệu, báo cáo phân tích, và các báo cáo khoa học giúp chị phát triển công việc tốt hơn. Tùy vào mỗi công đoạn ngoài những kỹ năng cơ bản, việc học thêm Autocad, kỹ năng tiếng Anh giao tiếp là rất cần thiết cho các bạn sinh viên sau này khi đi làm. “Sau khi đi làm, thì chị thấy ra một điều, những môn học nền tảng quan trọng nên trau dồi và học tập thật tốt, và thêm đó là các kỹ năng mềm bổ trợ. Sau khi đi làm để xử lý các lỗi cơ bản trên con chip chẳng hạn, thì sẽ dễ phán đoán và đưa ra hướng xử lý nhanh nhất”.
Seoul Semiconductor Vina là chi nhanh của tập đoàn Seoul Semiconductor ở Việt Nam. Seoul SC là tập đoàn chuyên sản xuất LED cho chiếu sáng dân dụng, LED cho ô tô, backlight LED, và các LED chuyên dụng. Seoul SC Vina khởi công khu công xưởng sản xuất đầu tiên ở Hà Nam vào năm 2017, đến nay (năm 2023) Seoul SC Vina đang mở rộng sản xuất sang khu công xưởng thứ 3 – đánh dấu bước phát triển cũng như nhu cầu nhân lực ngày càng tăng của công ty. Đây là một điểm đến hấp dẫn với các kỹ sư ngành VLKT, đặc biệt là các bạn ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nội.
Thực hiện: Nguyễn Thị Hồng Vân, Nguyễn Việt Dũng
Nguồn: https://prsep.wordpress.com/2023/04/14/gap-go-chi-ky-su-cong-doan-hoai-an-cuu-nu-sinh-vien-vat-ly-ky-thuat-xinh-dep-va-day-nhiet-huyet-voi-nghe/