Nữ kỹ sư y vật lý với song bằng thạc sĩ và động lực làm việc

Nữ kỹ sư y vật lý với song bằng thạc sĩ và động lực làm việc

Từ một cô gái với niềm đam mê với ngành học của mình, chị Quách Ngọc Mai đã trải qua một hành trình đầy nỗ lực và khổ luyện để đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc – một tấm gương về danh xưng Con gái nhà người ta. Là cựu sinh viên khóa K60 ngành Kỹ thuật Hạt nhân (#PH2) tại Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST), chị đã không ngừng phấn đấu để chinh phục mục tiêu của mình.

Nhờ vào sự cố gắng không ngừng nghỉ, chị Quách Ngọc Mai đã xuất sắc giành được học bổng thạc sĩ song bằng của cả HUST và Đại học công nghệ Naogaka (NUT). Vượt qua khó khan do đại dịch Covid 19 gây ra, chị đã hoàn thành xuất sắc chương trình song bằng và khẳng định cái chất của cô gái Bách Khoa.

Hiện tại, sau khi hoàn thành chương trình học, chị Quách Ngọc Mai đã trở thành một Kỹ sư y Vật lý tại khoa Xạ trị – Xạ phẫu trực thuộc viện Ung thư – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ở đây, hàng ngay, chị tham gia chăm sóc và điều trị cho những bệnh nhân ung thư – và chị đã tìm thấy động lực để dành trọn tâm huyết cho công việc khó khăn này.

Hôm nay, chúng ta sẽ trò chuyện với kỹ sữ trẻ (thạc sỹ song bằng) Quách Ngọc Mai, một con người đầy tài năng và ấm áp về cuộc hành trình đầy ý nghĩa của mình.

Hình 1: Ảnh chụp tại lễ trao bằng tốt nghiệp tại Đại học Bách khoa Hà Nội

Không biết cơ duyên nào khiến chị chọn ngành này để theo học và điều gì khiến chị yêu thích Vật lý Y khoa đến vậy ạ?

Thực ra, khi bắt đầu hành trình, mình chưa có sự kết nối mạnh mẽ với lĩnh vực Vật lý Y khoa. Ban đầu, quyết định theo học ngành Kỹ thuật Hạt nhân của mình đến từ sự hứng thú với dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Tuy nhiên, đáng tiếc là dự án này đã bị hủy bỏ do một số lý do khách quan.

May mắn thay, trong quá trình học, thầy giáo chủ nhiệm của mình đã dần dần giới thiệu và hướng dẫn về vai trò quan trọng của người kỹ sư Y Vật lý trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là trong việc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư. Đó là lúc mình bắt đầu nhận ra sự hấp dẫn và ý nghĩa sâu sắc của công việc này.

Từ đó, mình đã nuôi dưỡng ước mơ, không ngừng cố gắng học hỏi và tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực Vật lý Y khoa. Mình đã xin phép thầy để có cơ hội thực tập và trau dồi kiến thức của mình tại Viện Ung thư – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ năm thứ hai của đại học

Vậy không biết, chị có những kỷ niệm nào khó quên ở cả 2 môi trường HUST và NUT này không ạ?

Trong suốt quãng thời gian là sinh viên, có rất nhiều câu chuyện thú vị đã diễn ra, nhưng đối với mình, khoảng thời gian học thạc sĩ song song tại Việt Nam và Nhật Bản là những trải nghiệm đáng nhớ nhất. Giai đoạn này đã khắc sâu vào trong tâm trí mình rất nhiều cảm xúc khác nhau.

Khi mình đang theo học chương trình thạc sĩ, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát. Chính vì vậy, Đại học công nghệ Naogaka (NUT) đã gửi cho mình một số thiết bị để tiện cho việc nghiên cứu tại Việt Nam. Mình cũng phải xin mượn phòng thí nghiệm của Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) để có thể tiến hành thí nghiệm, thậm chí mình còn từng làm hỏng một số thiết bị của thầy cô.

Không chỉ vậy, thách thức lớn nhất đối với mình là chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Nhật, trong khi mình chỉ biết một chút tiếng Nhật. Mặc dù hàng tuần mình phải nộp báo cáo, nhưng có lẽ đó cũng là động lực giúp mình nỗ lực hơn để tìm hiểu sâu về Vật lý Y khoa. Vượt qua hai năm học thạc sĩ này, mình thực sự cảm thấy may mắn và hạnh phúc. May mắn vì đã có cơ hội theo đuổi ước mơ của mình, và may mắn hơn nữa vì luôn có sự giúp đỡ từ các thầy cô, bạn bè ở cả Việt Nam và Nhật Bản.

Những trải nghiệm này đã là một phần không thể thiếu trong hành trình trưởng thành của mình. Vậy nên, việc chọn điều gì là khó quên nhất đối với mình là một câu hỏi khó khăn, bởi mỗi trải nghiệm đều đóng góp vào sự phong phú và sâu sắc của cuộc sống của mình.

Chị có thể mô tả rõ hơn công việc của một kỹ sư y vật lý và tầm quan trọng của ngành để các bạn đã và đang tìm hiểu về ngành hiểu rõ hơn được không ạ?

Khi mình giới thiệu rằng mình làm kỹ sư Y Vật lý tại khoa xạ trị ở bệnh viện, thường có khá nhiều sự ngạc nhiên và tò mò từ mọi người. Nhiều người thắc mắc liệu đó có phải là một bác sĩ không, và khi mình phủ định, họ lại hỏi liệu mình có phải là người phụ trách máy móc hay không. Thực tế, khái niệm “kỹ sư” làm việc tại bệnh viện thực sự là mới mẻ đối với nhiều người.

Để làm rõ hơn, công việc của một kỹ sư Y Vật lý tại bệnh viện không chỉ đơn thuần là phụ trách máy móc. Trong lĩnh vực xạ trị, một phần nhỏ trong một khối lượng lớn kiến thức của sinh viên Vật lý Y khoa, chúng mình tham gia vào các hoạt động như hội chẩn bệnh nhân, tư vấn về các kỹ thuật điều trị cho bệnh nhân, lập kế hoạch điều trị, và kiểm soát chất lượng của các kế hoạch điều trị thông qua việc thực hiện QA plan (Quality Assurance).

Bên cạnh đó, chúng mình cũng có trách nhiệm kiểm soát chất lượng của các máy gia tốc thông qua việc thực hiện QA hàng ngày, hàng tháng và hàng quý. Đồng thời, chúng mình cũng tham gia vào việc phát triển nghiên cứu và cải tiến các đề tài giải quyết các vấn đề thực tiễn trong lâm sàng.

Vậy không biết tiềm năng và cơ hội việc làm của các sinh viên tốt nghiệp ngành Vật lý Y khoa khi làm việc tại các cơ sở y tế như chị đang làm như thế nào ạ?

Mình thấy tiềm năng và cơ hội cho các sinh viên hiện nay là rất lớn. Thứ nhất, các sinh viên hiện nay có lợi thế về tiếng Anh hơn rất nhiều so với chúng mình hồi xưa. Thứ hai, các bạn sinh viên bây giờ cũng có khả năng định hình đường đi sự nghiệp sớm hơn. Khi đã xác định được mục tiêu, các bạn sẽ biết cần học những gì và trau dồi những kiến thức gì để chuẩn bị cho tương lai nghề nghiệp một cách cụ thể hơn.

Ngoài ra, về tiềm năng của lĩnh vực này, mình nhận thấy rằng Việt Nam đang trên đà phát triển, và hầu hết các tỉnh thành đều có khoa xạ trị và máy xạ trị. Do đó, các sinh viên hoàn toàn có rất nhiều cơ hội để trở thành kỹ sư Y Vật lý trong bệnh viện.

Theo góc nhìn đánh giá trực quan của chị, ngoài các cơ sở y tế, ngành Vật lý Y khoa có thể ứng tuyển tại các vị trí ở những công ty nào khác không ạ?

Hoàn toàn có thể! Một ví dụ điển hình là những người bạn của mình. Mặc dù chúng mình cùng bắt đầu từ việc kiến tập tại bệnh viện 108 từ năm thứ hai của đại học, nhưng hiện tại, mình đang làm việc tại bệnh viện trong khi bạn của mình lại làm kỹ sư cho một công ty chuyên sản xuất máy xạ trị nổi tiếng.

Ngoài ra, sau khi học ngành này, các bạn cũng có thể ứng tuyển cho các vị trí như sales, kỹ sư thiết kế, kỹ sư lắp đặt…cho các công ty sản xuất thiết bị y tế.

Hình 2: Kỹ sư trẻ Quách Ngọc Mai cùng song bằng thạc sĩ (Bách Khoa và Naogaka)

Tuy rằng các chùm tia ta đang sử dụng trong mục đích rất tích cực về mảng y học. Thế nhưng, khi nghe đến ngành học và công việc sau này, một số bạn học sinh/sinh viên và cả phụ huynh nữa, đều có chung một nỗi lo sợ là các tia này liệu có ảnh hưởng gì tới các kỹ sư không, đặc biệt là với một kỹ sư nữ như chị? Và chị có lời nhắn nhủ nào tới các bạn đã, đang và sẽ theo đuổi ngành này không ạ?

Câu hỏi này thực sự thú vị và đã được hỏi đến từ khi mình bắt đầu học ngành này. Tuy nhiên, với mình, con người thường sợ những điều mà họ không biết, không nắm rõ. Khi ta đã trang bị đầy đủ kiến thức về lĩnh vực này, ta sẽ có các biện pháp đúng đắn để ngăn ngừa các nguy cơ gây hại cho mình.

Dù làm việc ở bệnh viện hay bất kỳ nơi nào khác, chúng mình luôn có những liều kế cá nhân gắn trên quần áo công tác để kiểm soát liều lượng mà cơ thể nhận được. Ngoài ra, ở các cơ sở y tế, hàng năm, hàng quý, hàng tháng đều có bộ phận An toàn bức xạ đến để kiểm tra các thông số của máy móc và đảm bảo rằng mọi vị trí trong khu vực làm việc đều đạt chuẩn an toàn.

Đối với mình, ý nghĩa của công việc vượt lên trên hết mọi thứ. “Mỗi ngày, khi tiếp xúc với các bệnh nhân ung thư, thậm chí cả những đứa trẻ mắc bệnh với những hoài bão, ước mơ bị ngăn chặn, mình nhận ra ý nghĩa thiêng liêng của ngành này. Khoảng thời gian thực tập ở viện đã giúp mình nhận ra điều này một cách rõ ràng hơn.”

Mình rất tâm đắc với câu nói: “Medical physicists work behind the scenes to make sure this personalized treatment is both safe and effective.”  (From: Todd F.Atwood, PhD) – Các nhà vật lý y khoa đã làm việc âm thầm ở đằng sau sao cho đảm bảo việc điều trị cá nhân phải vừa an toàn và vừa hiệu quả. Công việc của các kỹ sư Vật lý Y khoa diễn ra âm thầm nhưng mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng. Nó bảo đảm cho việc xạ trị của bệnh nhân diễn ra chính xác và hiệu quả.

Việc xác định được niềm đam mê với công việc này là cách mình giữ được động lực mỗi sáng khi đi làm, góp phần giúp đỡ cho cuộc sống hàng ngày. Nói chung, khi chúng ta thực sự yêu thích một công việc, chúng ta sẽ có động lực để vượt qua mọi thách thức để làm được nó. Để tìm ra điều đó, hãy dũng cảm trải nghiệm và nghe theo con tim mình!

Quả đúng như vậy, bất kỳ ai cũng sẽ có những lúc chán nản, mất phương hướng hay nghi hoặc về bản thân mình hay công việc mình đang làm hay ngành học mình đang theo học. Đó hoàn toàn là một hiện tượng tâm lí hết sức bình thường. Thế nhưng không ai có thể lường trước được rằng trong bạn luôn tồn tại một sức mạnh lớn nhất để có thể chiến thắng mọi rào cản, đó là ĐỘNG LỰC.

Khi mình hiểu và thấy được ý nghĩa công việc của mình, các bạn sẽ cảm nhận được động lực để mình vượt qua những khó khan và hoàn thành những điều mà mình đã bắt đầu.

Người thực hiện: Trần Phương Anh

Theo https://prsep.wordpress.com/