KỸ THUẬT HẠT NHÂN – 7 NĂM MỘT HÀNH TRÌNH

KỸ THUẬT HẠT NHÂN – 7 NĂM MỘT HÀNH TRÌNH

Xin chào các thầy cô, các anh chị, các bạn và các em sinh viên thân mến. Tôi là Bùi Tiến Hưng, một cựu sinh viên Kỹ thuật Hạt nhân, khóa 60 (2015 – 2020), Đại học Bách Khoa Hà Nội. Nhắc đến biệt danh “Chị hai năm tấn” có gợi cho bạn nghĩ đến tỉnh thành nào không? Chính là Thái Bình – quê hương của tôi, tôi xuất thân trong một gia đình thuần nông với nghề trồng lúa nước. Từ nhỏ khi thấy được sự vất vả của mọi người trong gia đình, vì vậy tôi luôn suy nghĩ rằng mình phải cố gắng để vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống.
Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, như bao bạn bè đồng trang lứa khác, tôi cũng ấp ủ trong mình một ước mơ đó là được vào học tại một ngôi trường đại học danh tiếng hoặc chí ít cũng phải thuộc top đầu. Những năm tháng đầu tiên học phổ thông cứ thế mà trôi qua đều đều không có gì nổi bật cho đến khi tôi bước chân vào năm lớp 12, tôi nhận thức được rằng đây là thời khắc quyết định vận mệnh của mình. Giữa vô vàn hướng đi khác nhau thì tôi đã đặt ra một quyết tâm phải đỗ vào một ngành kỹ thuật nào đấy của Bách Khoa. Tại sao lại phải là Bách Khoa? Thực ra, trước khi tìm hiểu sâu vào ngành nghề và định hướng cho tương lai, tôi chỉ biết Bách Khoa là một ngôi trường kĩ thuật đào tạo ra những kĩ sư/cử nhân vô cùng xuất sắc. Tôi được biết đến các anh chị xung quanh nhà đều rất thành công, có mức thu nhập cao, thậm chí có nhiều người đi du học và hiện đang định cư ở nước ngoài đều là các cựu sinh viên của Bách Khoa. Chứng kiến được những tấm gương đó khiến cho tôi bắt đầu đặt mục tiêu và quyết tâm cố gắng hết sức để trở thành một sinh viên của ngôi trường này.
Năm 2015 là một năm đầy biến động với học sinh chúng tôi khi Bộ giáo dục ra quyết định thay đổi hình thức thi và tuyển sinh đại học. Sau kỳ thi là những chuỗi ngày hồi hộp lo lắng chờ đợi kết quả. Rồi cũng đến ngày thông báo kết quả chính thức, niềm hạnh phúc như vỡ oà trong tôi khi biết được điểm số của mình cũng khá tốt. Sự kiên định và tự tin càng được củng cố hơn cho dự định của tôi. Tôi bắt đầu tìm hiểu ngành học và chuẩn bị hồ sơ để đăng kí nguyện vọng vào ĐH Bách Khoa. Ngành Kỹ thuật hạt nhân đã được tôi lựa chọn và sắp xếp làm nguyện vọng đầu tiên. Giờ đây khi hồi tưởng lại về thời điểm đó, tôi không thể hiểu rõ lý do tại sao mình lại lựa chọn như vậy. Có thể đó là sự hấp dẫn về tên gọi nghe rất mới lạ và có chút gì đó rất “nổ” của ngành học này, hoặc có thể là cảm giác bị hấp dẫn trước một lĩnh vực đầy tiềm năng và thử thách.
Những ngày tháng đầu tiên của một tân sinh viên Đại học Bách Khoa, tôi đã cảm thấy thực sự sốc với lượng kiến thức khổng lồ và cách giảng dạy tại đây. Tôi còn nhớ như in trong một giảng đường D3 chật ních sinh viên, giữa cái nóng nực của mùa hè, chúng tôi phải tiếp nhận lượng kiến thức khổng lồ, tôi thậm chí còn không thể ghi chép kịp từng con số, từng công thức các thầy viết trên bảng chứ đâu dám mong chờ để ngay lập tức hiểu được ý nghĩa của nó. Mọi người vẫn truyền tai nhau rằng, học Bách Khoa khó lắm, thi trượt, nợ môn là điều bình thường của sinh viên. Không biết các bạn đã từng nghe đến bài thơ này chưa:

“Nắng Bách Khoa thiêu đốt thời trai trẻ,
Mây Hà Thành che lấp tuổi thanh xuân,
Sáng, tối luôn ôm ấp nợ học phần,
Chết trên sách vở quên dần đời trai.”

Đây là bức ảnh mà lớp chúng tôi chụp cùng với nhau lúc năm nhất đại học, khi ấy chúng tôi còn làm đồng phục riêng – đặc trưng riêng của ngành Hạt nhân Bách Khoa
Đây là bức ảnh mà lớp chúng tôi chụp cùng với nhau lúc năm nhất đại học, khi ấy chúng tôi còn làm đồng phục riêng – đặc trưng riêng của ngành Hạt nhân Bách Khoa

Nếu ai đó có hỏi tôi rằng học ở Bách Khoa có khó không? Tôi cũng khẳng định là khó, nhưng nó không khó đến mức như những lời mà mọi người đồn đoán. Thực ra một phần do cuộc sống xa nhà, xa gia đình mà một bộ phận sinh viên bị cuốn theo nhiều cám dỗ dẫn tới sao nhãng việc học hành. Một phần khác là do phương pháp học trên đại học khác biệt hoàn toàn so với cấp 3 trước đây. Khi việc tiếp thu kiến thức không tốt, không hiệu quả sẽ dẫn đến tinh thần chán nản, buông bỏ. Hậu quả là sinh viên trượt môn, nợ môn và phải dùng những lời kêu ca đó để biện minh cho sự lười biếng của mình. Trong năm đầu tiên, tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi vẫn giữ phong cách học tập thụ động giống như thời phổ thông. Tuy nhiên, dần dần tôi đã tìm ra cách học hiệu quả hơn và cải thiện phương pháp học của mình. Điều này giúp mình đạt được điểm số khá cao ở một số học phần đại cương. Với kinh nghiệm của một cựu sinh viên, tôi cho rằng nếu các bạn chủ động tiếp thu kiến thức, chịu khó nghe giảng, tìm kiếm và đọc thêm các tài liệu, việc vượt qua các môn học không phải là điều khó khăn, thậm chí có thể đạt điểm số rất cao.
Khi nhắc đến cuộc sống sinh viên, không thể không kể đến những giờ học căng thẳng trên giảng đường, những buổi học nhóm đầy sôi nổi và cả những đêm thức trắng ôn bài. Nhưng học tập chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể của cuộc sống sinh viên. Ngoài giờ học, chúng tôi còn tham gia vào rất nhiều hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, sự kiện và các hoạt động xã hội. Những buổi dã ngoại, picnic, tiệc tùng hay các sự kiện văn hóa nghệ thuật là những dịp để lớp chúng tôi giải tỏa căng thẳng và tận hưởng cuộc sống. Những chuyến đi khám phá cùng bạn bè mang lại những trải nghiệm tuyệt vời, giúp chúng tôi mở rộng tầm nhìn và làm phong phú thêm cuộc sống. Mỗi hoạt động, mỗi trải nghiệm đều góp phần làm giàu thêm hành trang, đồng hành cùng chúng tôi trong suốt quãng đường sau này.

Chuyến di cắm trại ngoài trời đầu tiên của lớp Kỹ thuật hạt nhân chúng tôi. Mọi người cùng nhau chuẩn bị đồ ăn, ca hát, đốt lửa trại, đây là những hoạt động nhằm giúp thắt chặt tình đoàn kết của cả lớp
Đây là một hình ảnh trong một lần đi cắm trại ngoài trời khác
Cả lớp cùng chụp ảnh cùng nhau trong buổi học đầu tiên của năm học mới
Cả lớp cùng chụp ảnh cùng nhau trong buổi học đầu tiên của năm học mới
Hoạt động chào mừng tân sinh viên K64 do Viện Vật lý kỹ thuật tổ chức
Chuyến đi thực tập đầu tiên tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt năm 2018, mang lại cho chúng tôi nhiều kiến thức và trải nghiệm bổ ích
Chuyến đi thực tập đầu tiên tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt năm 2018, mang lại cho chúng tôi nhiều kiến thức và trải nghiệm bổ ích
Chúng mình đã bảo vệ đồ án thành công và chính thức trở thành những tân kĩ sư Kỹ thuật hạt nhân năm 2020

Bước vào kì cuối cùng của năm cuối đại học, cũng chính là lúc chúng tôi phải vận dụng những kiến thức, kĩ năng mà bản thân đã tích lũy được trong hơn 4 năm qua. Riêng bản thân tôi thấy đây chính là khoảng thời gian vất vả nhất trong 5 năm học. Tôi thật may mắn khi được TS. Nguyễn Văn Thái nhận hướng dẫn và thầy đã giao cho tôi một đề tài tốt nghiệp liên quan đến máy gia tốc xạ trị. Đề tài này cũng chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho định hướng chuyên môn của tôi sau này. Quá trình làm đồ án đầy thử thách và sóng gió, tôi phải đọc một lượng lớn các tài liệu, các bài báo và công trình nghiên cứu sau đó phải đúc kết lại để áp dụng giải quyết bài toán của mình đặt ra. Sau nhiều tháng miệt mài nghiên cứu, tôi cũng đạt được thành quả như mong đợi. Và rồi tất cả chúng tôi cùng bước vào buổi bảo vệ chính thức với tâm trạng lo lắng mãi cho đến khi cùng vỡ òa trong cảm xúc vui sướng sau khi tất cả đều cùng vượt qua bài kiểm tra cuối cùng của cuộc đời sinh viên. Sau ngày hôm nay, mỗi người trong số chúng tôi đều có cho riêng mình những dự tính, hòa bão cho con đường tương lai sau này, có lẽ giờ phút hôm ấy chính là những phút giây cuối cùng được nghe các thầy cô giảng giải, chia sẻ.

Năm 2020, sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp bậc đại học, tôi đã đứng trước một ngã rẽ quan trọng của cuộc đời: minh sẽ tiếp tục học hay là tìm kiếm một công việc phù hợp. Và rồi tôi quyết định tiếp tục con đường học vấn khi đăng kí chương trình sau đại học ngành Kỹ thuật hạt nhân. Đây không chỉ là một lựa chọn về nghề nghiệp mà còn là một hành trình khám phá bản thân, đầy thử thách. Những ngày đầu của chương trình sau đại học, tôi đã cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt so với bậc học đại học. Khối lượng kiến thức chuyên môn nhiều hơn và yêu cầu cao hơn. Các thầy cô không chỉ truyền đạt những lý thuyết cơ bản mà còn đi sâu vào các lĩnh vực phức tạp, đặc biệt là ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân trong y tế. Những bài giảng chi tiết về cách sử dụng công nghệ hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị bệnh đã mở ra cho tôi một chân trời mới, giúp tôi hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và tiềm năng của ngành này trong việc điều trị và nâng cao sức khỏe con người. Một phần quan trọng không kém của chương trình học là việc tham gia vào nghiên cứu khoa học (NCKH). Ngay từ những ngày đầu, tôi đã được các thầy cô hướng dẫn tận tình về phương pháp nghiên cứu, từ việc đặt câu hỏi, xây dựng giả thuyết, thiết kế thí nghiệm, đến việc phân tích kết quả và viết báo cáo khoa học. Quá trình này không hề dễ dàng, nhiều lần tôi đã cảm thấy khá bế tắc. Nhưng chính những thử thách này đã giúp tôi rèn luyện khả năng tư duy phản biện, sự kiên nhẫn và tính cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công việc nhỏ nhất. Cũng nhờ quá trình NCKH này, tôi học được cách làm việc nhóm, giao tiếp và hợp tác hiệu quả với mọi người, những kỹ năng vô cùng quan trọng trong môi trường làm việc hiện nay. Chặng đường học sau đại học không chỉ mang lại cho tôi kiến thức và kỹ năng mà còn là hành trình trưởng thành về mặt cá nhân.

Hình ảnh chụp cùng thầy cô tại hội nghị VINANST14 tổ chức tại Đà Lạt, Lâm Đồng, 2021

Trong khoảng thời gian cuối cùng của chương trình sau đại học, tôi đã bắt đầu nghĩ đến công việc tương lai và chuẩn bị CV với hy vọng tìm kiếm một công việc phù hợp với chuyên môn của mình. Những buổi tư vấn và sự hỗ trợ nhiệt tình từ các thầy cô trong bộ môn đã giúp mình rất nhiều trong quá trình này. Sau khi chỉnh sửa CV và chuẩn bị kỹ lưỡng, tôi đã nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí nghiên cứu viên y học bức xạ tại Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM). Thật may mắn, sau khi trải qua các vòng phỏng vấn và kiểm tra, tôi đã trúng tuyển vào vị trí đó và bắt đầu công việc chính thức từ đầu năm 2022. Trong thời gian làm việc tại VINATOM, tôi đã được tiếp cận với nhiều chuyên gia đầu ngành. Những buổi trao đổi kiến thức, thảo luận về các dự án nghiên cứu không chỉ giúp tôi học hỏi thêm nhiều điều mới mà còn giúp tôi định hình phong cách làm việc chuyên nghiệp và tác phong nghiên cứu khoa học. Không những thế, làm việc tại VINATOM còn mang lại cho tôi nhiều cơ hội học tập, trao đổi trong và ngoài nước. Những chuyến công tác và học tập này đã mở rộng tầm nhìn của tôi, giúp tôi tiếp cận được những kiến thức và công nghệ mới nhất trong lĩnh vực của mình. Một thời gian sau đó, tôi đã chuyển tới làm việc tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân (INST), một đơn vị trực thuộc VINATOM. Đây là một môi trường làm việc tuyệt vời với cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Tại đây, tôi tiếp tục được tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu quan trọng, góp phần vào sự phát triển của ngành khoa học hạt nhân tại Việt Nam. Tôi rất trân trọng những cơ hội mà VINATOM và INST đã mang lại. Công việc tại đây không chỉ giúp tôi phát triển về mặt chuyên môn mà còn mang lại nhiều trải nghiệm quý báu, giúp tôi trưởng thành hơn trong công việc.

Ảnh chụp cùng các thành viên trong đoàn (VINATOM, ĐH Bách Khoa Hà Nội, trường ĐH Khoa học tự nhiên, trường ĐH Điện lực, …) trong chuyến làm việc tại tỉnh Fukui, Nhật Bản, năm 2022
Mọi người trong đoàn cùng nhau trải nghiệm bữa tối theo phong cách của người Nhật Bản
Ảnh chụp cùng các bạn học viên tại Trung tâm ICISE Quy Nhơn, Việt Nam, năm 2023
Hình ảnh chụp lưu niệm cùng các học viên JINED tại trung tâm đào tạo vận hành nhà máy điện hạt nhân Hamaoka, Nhật Bản, năm 2023

Chuyến đi đáng nhớ nhất của tôi đó là lần thứ hai quay trở lại Nhật Bản năm 2023 trong khuôn khổ được tài trợ bởi tập đoàn JINED, Nhật Bản. Đây là phần thưởng mà tôi đạt được khi tham gia khóa đào tạo về công nghệ nhà máy điện hạt nhân của JINED từ năm 2019. Tôi đã may mắn là một trong hai sinh viên có thành tích học tập cao nhất trong khóa đào tạo đó, và nhận được học bổng để tham quan các cơ sở hạt nhân tại Nhật Bản. Chuỗi ngày chờ đợi thông báo từ JINED để được đến Nhật Bản là bao háo hức và chờ mong trong tôi về ngày được sang chứng kiến tận mắt những công nghệ mà trước đây chỉ biết qua sách báo. Tuy nhiên, do sự bùng phát của đại dịch COVID-19, chuyến đi của chúng bị hoãn lại, khi nhận được thông tin này tôi cảm thấy đôi chút hụt hẫng. Và không phụ công chờ đợi của chúng tôi, năm 2023, JINED thông báo chuyến đi sẽ được tổ chức. Trong lần này, chúng tôi được đến những cơ sở công nghệ hạt nhân lớn ở Nhật Bản như Trung tâm Kỹ thuật Hạt nhân Ishogo, Nhà máy điện hạt nhân Hamaoka, Viện Nghiên cứu Năng lượng nguyên tử Nhật Bản, Bảo tàng Toshiba, … Bên cạnh đó chúng tôi còn được trải nghiệm văn hóa ẩm thực Nhật Bản, thăm quan các địa danh nổi tiếng ở Tokyo. Chuyến đi không chỉ mang đến cho tôi những kiến thức chuyên môn mà còn là cơ hội để tôi mở rộng mối quan hệ, giao lưu với các đồng nghiệp quốc tế và trải nghiệm văn hóa Nhật Bản đầy sắc màu.

Một trong những công việc thường quy của Kỹ sư vật lý là đảm bảo chất lượng cho máy gia tốc xạ trị hoạt động ổn định theo đúng thông số thiết kế và tiêu chuẩn quốc tế

Sau một thời gian làm việc tại VINATOM, tôi đã nhận ra rằng, để theo đuổi định hướng nghiên cứu về Vật lý y khoa và sinh học phóng xạ, tôi cần phải có thêm điều kiện và nguồn lực tốt hơn. Chính vì vậy, tôi đã quyết định thay đổi sang vị trí việc làm mới đó là kỹ sư vật lý tại Khoa Xạ trị và Y học hạt nhân, Bệnh viện Đại học Phenikaa từ đầu năm 2024. Khi đưa ra quyết định này, tôi biết rằng sẽ có rất nhiều khó khăn và thử thách đang chờ đợi. Thực tế, những ngày đầu làm việc tại môi trường mới đã minh chứng điều đó. Tôi phải nhanh chóng làm quen với rất nhiều kiến thức lâm sàng liên quan đến việc điều trị và thăm khám thực tế cho bệnh nhân, học cách sử dụng và vận hành những trang thiết bị hiện đại và tiên tiến nhất trong lĩnh vực xạ trị và y học hạt nhân. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại cho tôi những cơ hội quý giá để phát triển chuyên môn. Tôi tin rằng, với những kinh nghiệm tích lũy được trong suốt thời gian học tại Đại học Bách Khoa và những năm làm việc tại VINATOM, tôi có thể đóng góp một phần sức lực để đem lại giá trị lợi ích cho xã hội và cộng đồng.

Dự định của tôi trong tương lai là khi đạt tới độ chín về kiến thức và kỹ năng, tôi sẽ đăng ký học tiếp lên bậc nghiên cứu sinh. Định hướng của tôi tập trung vào hai lĩnh vực Vật lý y khoa và Sinh học phóng xạ, hai lĩnh vực mà tôi tin rằng có tiềm năng lớn để phát triển và mang lại những đóng góp quan trọng cho ngành y học. Việc theo đuổi con đường nghiên cứu sinh không chỉ là mục tiêu cá nhân mà còn là cách để tôi góp phần vào sự phát triển của khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Dù các bạn đến từ bất kỳ ngành nào tại Bách Khoa, điều quan trọng nhất mà mọi người cần phải học là cách thức tư duy và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Kiến thức chuyên môn là rất quan trọng, nhưng biết cách áp dụng những kiến thức này vào công việc thực tế cũng quan trọng không kém. Đây chính là yếu tố mà các nhà tuyển dụng luôn quan tâm và đánh giá cao. Hãy tự rèn luyện cho mình một tinh thần tự học và luôn cầu thị. Việc này sẽ giúp các bạn nổi bật và thu hút sự chú ý từ các nhà tuyển dụng. Ngoài việc học các kiến thức chuyên môn, các bạn cũng nên nâng cao các kỹ năng bổ trợ như ngoại ngữ, tin học văn phòng, lập trình, giao tiếp, và các kỹ năng mềm khác. Những kỹ năng này không chỉ giúp các bạn hoàn thiện bản thân mà còn mở ra nhiều cơ hội trong tương lai nghề nghiệp. Hãy tận dụng thời gian hiện tại để học hỏi và chuẩn bị cho những dự định sau này, vì khi bước vào thực tế làm việc, các bạn sẽ nhận ra rằng thiếu những kỹ năng này sẽ khiến mình trở nên kém cỏi so với các đồng nghiệp. Hành trình học tập và rèn luyện không bao giờ là dễ dàng, nhưng nó là chìa khóa để mở ra những cơ hội mới và đạt được thành công trong sự nghiệp. Đừng ngại khó khăn và thử thách, hãy vượt qua bằng sự nỗ lực và quyết tâm. Tôi tin rằng các bạn có đủ năng lực và tiềm năng để trở thành những chuyên gia tài năng trong ngành của mình.

Sau 7 năm học tập tại Đại học Bách Khoa và hơn 9 năm gắn bó với ngành kỹ thuật hạt nhân, tôi tin rằng con đường mà mình đã chọn từ lâu là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với bản thân. Mỗi khi nhớ lại, tôi luôn cảm thấy biết ơn sâu sắc đến các thầy cô giáo và trường Bách Khoa đã mang đến cho tôi những trải nghiệm quý báu, những kỷ niệm đáng nhớ suốt thời gian làm sinh viên. Dù 7 năm ở Bách Khoa có vẻ như là một khoảng thời gian ngắn so với cả cuộc đời, nhưng đối với tôi, đó là cả một tuổi thanh xuân, là thời gian quan trọng và đáng quý. Bách Khoa không chỉ đơn thuần là nơi để học tập mà còn là một mái nhà, nơi mà tôi luôn tự hào mỗi khi nhắc đến. Đây là nơi đã giúp tôi trưởng thành, rèn luyện bản lĩnh và lòng nhiệt huyết. Tôi muốn gửi lời tri ân chân thành đến các thầy cô trong Bộ môn Kỹ thuật Hạt nhân đã luôn đồng hành, chỉ bảo tôi trong suốt những năm qua. Tôi cũng chân thành cảm ơn các bạn bè đã cùng tôi chia sẻ những kỷ niệm đẹp và ý nghĩa trong thời gian làm sinh viên. Những kỷ niệm ấy luôn khiến tôi mỉm cười khi nhớ lại. Gửi đến các bạn sinh viên hiện tại, tôi chúc các bạn học tập tốt, luôn duy trì đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Hãy nỗ lực để gặt hái thành công trong sự nghiệp và những ước mơ mà các bạn hướng tới. Chúc mừng các bạn sinh viên mới khoá K69 của ngành Kỹ thuật Hạt nhân, chào mừng các bạn đến với ngôi nhà chung này. Tôi hy vọng rằng các bạn sẽ có những năm tháng đáng nhớ và tươi đẹp tại đây.

Thân ái