Từ một cậu sinh viên nhút nhát, thiếu tự tin trong giao tiếp; từ một cậu sinh viên bị cảnh cáo mức I và điểm trung bình học kỳ II năm thứ nhất chỉ đạt 0,5/4,0; với nỗ lực rèn luyện không ngừng của bản thân (đặc biệt là trong môi trường nhóm nghiên cứu), anh sinh viên nhút nhát đó đã tự tin và tốt nghiệp Đại học BKHN với bằng Kỹ sư loại Khá và sớm 1 học kỳ. Đó là câu chuyện về tân kỹ sư Đào Quang Hướng (tốt nghiệp tháng 3 năm 2023) – một người sinh viên “bình phàm” như bao người sinh viên khác ở Đại học Bách Khoa Hà Nội – họ vào Bách Khoa để rèn luyện và trưởng thành!
Anh Đào Quang Hướng là cựu sinh viên K63 ngành Vật lý Kỹ thuật, chuyên ngành Quang học – Quang điện tử. Anh tốt nghiệp vào tháng 3/2023 – tức là anh kết thúc chương trình kỹ sư 5 năm với thời gian 4,5 năm, sớm hơn so với thời gian chuẩn 1 học kỳ. Bên cạnh việc tốt nghiệp sớm, trước khi nhận Bằng kỹ sư vào tháng 6/2023, anh Hướng cũng đã có công việc phù hợp với chuyên môn được đào tạo – kỹ sư phụ trách phân tích sản phẩm.
Anh Hướng hiện đang là kỹ sư của công ty TNHH Toto (Công ty của Nhật Bản chuyên sản xuất các thiết bị gia đình như bồn tắm, bàn bếp, bồn cầu, các thiết bị phụ trợ khác). Anh chia sẻ về công việc hiện nay là:“Hiện tại mình đang đảm nhiệm việc vận hành các thiết bị phân tích đo đạc như: SEM, EDX, XRD, XRF… nhằm phân tích, đánh giá các đặc tính của nguyên vật liệu, dùng để trực tiếp chế tạo các thiết bị mà công ty sản xuất; ngoài ra việc đánh giá này còn dùng để kiểm tra và tìm các lỗi phát sinh trên sản phẩm và gửi lại các bộ phận liên quan tìm cách khắc phục để đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi giao đến tay người tiêu dùng”. Anh Hướng cũng cho biết, công việc hiện nay rất phù hợp với những kiến thức và kỹ năng anh đã được học và rèn luyện ở Bách Khoa Hà Nội. Bởi vì trong thời gian học, anh đã sử dụng và kết hợp những kỹ năng về phân tích vật liệu với các kiến thức được học trong modul Phân tích và đo lường của chương trình Vật lý kỹ thuật (PH1).Yêu thích sóng ánh sáng đến ngành Vật lý kỹ thuật
Anh Hướng chia sẻ về việc đến với Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội là một cái duyên. Anh ước mơ vào Bách Khoa, nhưng chưa biết chọn ngành nào. Thông qua buổi tư vấn tuyển sinh tình cơ mà anh biết đến và chọn ngành Vật lý kỹ thuật. Anh chia sẻ thêm:
“Việc anh học Vật lý Kỹ thuật thì cũng là một cái duyên đối với anh. Như các em chắc cũng đã biết đến thế hệ sau 2000 như anh và các em thì được gọi là thế hệ Gen Z, ở thế hệ này thì việc tiếp xúc với các trang tuyển sinh online khá là phổ biến. Trước đây khi còn là học sinh THPT, thật sự anh cũng chỉ ước mơ là vào được Đại học Bách khoa Hà Nội như bao bạn bè khác cùng lứa tuổi. Tới năm lớp 12, anh cảm thấy mình đặc biệt thích môn lý, đặc biệt là về phần sóng ánh sáng và quang học. Tình cờ, có một lần anh được trường cấp 3 tổ chức cho đi lên Hà Nội chơi vào đúng dịp mà Bách khoa tổ chức ngày hội tuyển sinh, tại đây anh đã được các thầy cô tư vấn và biết đến ngành Vật lý Kỹ thuật. Sau buổi đi chơi đó, anh đã tìm hiểu thêm về ngành này thông qua mạng xã hội, cảm thấy hứng thú với vật lý và phù hợp với lực học của bản thân nên anh đã mạnh dạn đặt nguyện vọng vào Vật lý Kỹ thuật.”
Rèn luyện qua những lần ăn mắng!
Như vậy là với niềm yêu thích đặc biệt dành cho sóng ánh sáng và quang học, anh Hướng đã bén duyên với chuyên ngành Quang học – Quang điện tử của Vật lý kỹ thuật như thế đấy. Không chỉ vậy, với sự dìu dắt của các thầy cô, anh cũng nhận lại được cho mình những bài học thật quý giá:
“Đặc biệt anh phải cảm ơn PGS.TS Lương Hữu Bắc rất nhiều. Nhờ thầy anh đã được vào làm việc tại phòng nghiên cứu Quang học-Quang điện tử do thầy trực tiếp quản lý và hướng dẫn, tại đây anh đã được làm việc với thầy, các anh chị, các bạn cùng khóa và các em khóa dưới. Trong quá trình nghiên cứu tại phòng lab của thầy Bắc anh đã được thầy và các anh chị khóa trên hướng dẫn, chỉ bảo và được cùng các bạn tìm hiểu lý thuyết, làm thực nghiệm; được tiếp xúc với các máy móc mà sau này khi ra trường anh được làm việc với chính các loại máy này. Ngoài kiến thức ra, thì các kỹ năng mềm khác cũng vô dùng quan trọng, tại đây anh còn được cùng thầy và các thành viên khác trong lab hướng dẫn thêm về các kỹ năng mềm khác ví dụ như: teamwork, team building, kỹ năng xử lý số liệu, kỹ năng tin học văn phòng… qua đó giúp anh rất nhiều trong quá trình làm việc. Ngoài các giờ học trên giảng đường ra thì khả năng tự tìm hiểu, phân tích vấn đề và tổng hợp thông tin cũng rất quan trọng, các kỹ năng này có thể giúp ích rất nhiều cho quá trình làm việc sau này. Về điều này thì ngoài các giờ học ra, phòng lab của anh còn tổ chức các buổi đánh giá kết quả và trao đổi hàng tuần để có thể tìm và giải quyết các vấn đề của bản thân hoặc cặc các thành viên khác, qua các buổi sinh hoạt như vậy thầy Bắc cũng luôn luôn đặt vấn đề và yêu cầu bọn anh tự tìm cách giải quyết trước rồi thầy mới nhận xét và đóng góp ý kiến. Những buổi sinh hoạt như thế này thì thì hầu hết bọn anh đều sợ thầy “mắng”. Tuy nhiên giờ ra trường anh mới thấy “nhớ” những buổi sinh hoạt ấy. Nó đã giúp anh cải thiện bản thân rất rất nhiều từ cách cư xử, cách đối diện với vấn đề, cách đặt mục tiêu cho bản thân, cách sửa sai sau mỗi lần có lỗi….”
Chia sẻ với các em tân sinh viên
Cách học hỏi của anh Hướng đã diễn ra đầy thử thách như thế đấy, anh cũng chia sẻ thêm về việc học: “Sinh viên thì cứ phải học hết mình và chơi cũng phải hết sức, theo anh là như vậy. Anh đã trải qua quãng thời gian sinh viên quá vui rồi. Nếu cho anh làm lại thì anh vẫn chọn ngành Vật lý Kỹ thuật nhưng mà anh sẽ đặt cho mình các mục tiêu cao hơn nữa cho bản thân để biết giới hạn của bản thân. Có thể là học bổng, có thể là các bài báo nghiên cứu khoa học lớn Q1, Q2 chẳng hạn. Mà anh cũng muốn có người yêu nữa (cười).”
Anh chia sẻ thêm là lúc đầu vào Đại học anh cũng rất bỡ ngỡ. Đặc biệt là học kỳ II năm thứ nhất, anh đã bị cảnh cáo mức I khi điểm trung bình học kỳ đó anh chỉ đạt 0,5/4,0. Anh trượt gần như hầu hết các môn. Nhưng anh khuyên, nhất định không được nản và bỏ cuộc. Các thầy cô và bạn bè luôn sẵn sàng hỗ trợ, việc của mình là cố gắng. Kết quả thể hiện ngay ở các kỳ sau, khi điểm của anh ấy đã leo dốc ở các và về đích với bằng khá (2,77/4,0).
Sự học hỏi và cuộc sống của một sinh viên là như vậy, với tư cách là một tân kỹ sư tốt nghiệp ngành Vật lý Kỹ thuật, anh Hướng cũng muốn gửi lời nhắn nhủ tới các khoá sau của viện Vật lý Kỹ thuật:
“Mặc dù cũng mới ra trường và cũng chỉ được coi là một Tân kỹ sư thôi chứ kinh nghiệm cũng chưa hẳn là đã nhiều nhưng anh cũng muốn khuyên các bạn là hãy rèn luyện thật tốt khi còn là một sinh viên, bất kỳ kỹ năng hay một kiến thức gì của các bạn sau này cũng có thể giúp ích cho các bạn rất nhiều. Ngoài ra có tài thì cũng cần phải đi đôi với có đức, các bạn hãy luôn giữ một thái độ nghiêm túc và thể hiện sự ham muốn học hỏi của bản thêm đối với bất kỳ một công việc nào, cho dù là nhỏ nhất và cũng phải đặt mục tiêu cho bản thân, có như vậy thì các bạn sẽ vững bước hơn trên con đường của mình sau khi ra trường nhé!”
Ngoài ra, anh Hướng cũng chia sẻ là khi vào công ty, không chỉ kiến thức và kỹ năng, mà thái độ chuyên nghiệp cũng rất quan trọng. Lúc mới vào công ty, anh được đào tạo bài bản về việc đi đứng và lên xuống cầu thang thế nào – chuẩn yêu cầu của các công ty của Nhật. Nên để tránh bỡ ngỡ, như anh trao đổi ở trên, lúc nào các bạn cũng nên giữ thái độ sẵn sàng học hỏi và lắng nghe. Các thầy có quan tâm thì các thầy mới nhắc nhở và mắng!
Với những chia sẻ rất chân thật của anh Đào Quang Hướng về cơ hội bén duyên với ngành của anh cùng với những gì mà anh đã nhận được từ mái nhà viện Vật lý Kỹ thuật, chúng ta có thể thấy đôi khi để theo đuổi được một thứ gì đấy, ta không nhất thiết phải phóng đại phải to tát hóa vấn đề đó, thứ ta thực sự cần sự đam mê, sự nhiệt huyết và sự chăm chỉ thì “cục sắt” sẽ có ngày hóa thành “kim”.
Nguồn: https://prsep.wordpress.com/2023/06/30/tu-sinh-vien-vat-ly-binh-pham-toi-vi-tri-ky-su-phan-tich/