Sinh viên vật lý kỹ thuật với định hướng nghề nghiệp trở thành chuyên gia

Sinh viên vật lý kỹ thuật với định hướng nghề nghiệp trở thành chuyên gia

Anh Nguyễn Văn Quảng (K63, Vật lý kỹ thuật) vừa trở thành tân “cựu sinh viên Vật lý kỹ thuật với việc hoàn thành chương trình Kỹ sư 5 năm chỉ trong 4.5 năm. Anh cũng là một tấm gương về người sống theo trend YOLO (You Only Live Once). Các bạn cùng xem danh sách công việc mà anh ấy đã thực hiện trong thời gian là sinh viên ở Đại học Bách Khoa Hà Nội: Liên chi hội trưởng Liên chi hội Sinh viên Viện Vật lý Kỹ thuật, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Hội Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội; tham gia các hoạt động Đoàn – Hội; nhiều năm liền, anh đạt được danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp trường, cấp thành phố; cộng tác viên của Phòng truyền thông và quản trị thương hiệu; tham gia nghiên cứu khoa học. Sau khi tốt nghiệp ĐHBK Hà Nội, anh Quảng quyết định tiếp tục theo đuổi việc học lên cao (Tiến sĩ) ở Hàn Quốc (Đại học Sungkyunkwan – trường Đại học lâu đời và chất lượng hàng đầu của Hàn Quốc và hợp tác chặt chẽ với tập đoàn Samsung) để sau này có thể trở thành chuyên gia trong các công ty công nghệ cao. Hôm nay chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của anh Quảng về hành trình của mình tại Đại học Bách khoa Hà Nội và kế hoạch trong tương lai nhé!

Anh Quảng đã gắn bó với Hội Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội suốt khoảng thời gian theo học tại trường của mình.

Em chào anh ạ! Em là Tuấn Hùng. Hôm nay, đại diện cho Đội truyền thông Viện VLKT, em rất cảm ơn anh đã nhận lời trả lời phỏng vấn viết bài về cựu sinh viên của Viện. Sau đây em xin phép được phỏng vấn anh một vài câu hỏi ạ.

– Dạ, đầu tiên anh có thể giới thiệu đôi chút về bản thân mình, về ngành học, khóa học, và công việc của anh hiện tại ạ?

Q: Chào bạn, mình là Quảng sinh viên khóa 63 học chuyên ngành Vật liệu điện tử và Công nghệ nano, thuộc ngành Vật lý kỹ thuật (PH1), Đại học Bách khoa Hà Nội. Mình vừa hoàn thành chương trình học Kỹ sư và bảo vệ Đồ án tốt nghiệp vào tháng 3 năm 2023 (hoàn thành chương trình 5 năm trong chỉ 4.5 năm). Tháng 9 tới mình sẽ nhập học sau đại học ở Đại học Sungkyunkwan (SKKU)– trường Đại học lâu đời và chất lượng hàng đầu của Hàn Quốc, đặc biệt SKKU có hợp tác chặt chẽ với tập đoàn Samsung. Trong thời gian chuẩn bị đi học cao hơn, mình xin làm Trợ lý nghiên cứu tại Trường Đại học Phenikaa để có thêm trải nghiệm ở nhiều môi trường nghiên cứu khác nhau.

– Anh có thể chia sẻ thêm về việc theo đuổi việc học cao hơn và việc chọn chuyên ngành mà anh đã học không ạ?

Q: Công việc hiện tại (Trợ lý nghiên cứu) của mình là làm nghiên cứu về khoa học vật liệu, trong đó có sử dụng các phương pháp vật lý đã được học trong chương trình đào tạo của mình. Đây cũng là các kỹ năng cần thiết cho việc theo đuổi hướng nghiên cứu về siêu tụ điện mà mình theo khi sang SSKU vào tháng 9 tới. Bên cạnh kỹ năng phân tích, các kiến thức chuyên ngành, các kỹ năng tổng hợp mà mình rèn được trong quá trình học tập cũng được sử dụng thường xuyên trong quá trình làm việc. Nên mình thấy công việc này khá là phù hợp với chương trình mình học.

– Như vậy là anh đã rèn luyện các kỹ năng rất hiệu quả trong quá trình học tập. Anh có thể cho em biết điều gì khiến anh yêu nhất ở ngành Vật lý kỹ thuật này ạ?

Q: Mình nghĩ mình học Vật lý kỹ thuật là một cái duyên rất lớn với mình. Trong quá trình học mình được các thầy cô tận tâm giúp đỡ trong học tập và nghiên cứu. Đồng thời các thầy cô còn tư vấn, giúp đỡ mình hiểu hơn về ngành học và cơ hội việc làm sau này. Điều này giúp mình có định hướng rõ hơn và cảm thấy ngày càng yêu thích ngành mình đang theo học.

– Theo em được biết thì anh là một người hoạt động rất năng nổ trong công tác Đoàn – Hội, vậy anh có thể chia sẻ phương pháp để cân bằng giữa việc học và việc tham gia các hoạt động đó không ạ?

Q: Khi mình mới bắt đầu tham gia hoạt động Đoàn – Hội thì mình cũng mất một khoảng thời gian để tìm ra phương pháp cân đối giữa việc học và hoạt động xã hội. Để cân bằng việc học và hoạt động thì mình luôn có cho mình một timeline học tập chi tiết theo thời khóa biểu của Trường, sau đó mình xác định các khoảng thời gian rảnh có thể tham gia các hoạt động xã hội khác. Ngoài ra, sau những giờ sinh hoạt chung, mình cùng các bạn trong cùng đơn vị cùng nhau học tập ôn bài. Như vậy mình có thể vừa hoạt động mà vẫn đảm bảo được việc học trên lớp.

– Ngoài việc học trên lớp, anh có tham gia NCKH không ạ? Và anh tham gia từ khi nào ạ? Anh có thể chia sẻ với các bạn sinh viên về quá trình nghiên cứu, hay những khó khăn cũng như những lợi ích có được từ NCKH không ạ?

Q: Ngoài học trên lớp thì mình có tham gia NCKH từ cuối kỳ 1 năm 2. Khi bắt đầu làm nghiên cứu thì mình học hỏi từ các anh chị trong nhóm, sau đó thực hiện các thí nghiệm và đánh giá các kết quả thực nghiệm. Trong quá trình này, đôi khi sẽ gặp những khó khăn như sẽ có lúc chán nản vì không phải lần thí nghiệm nào cũng có kết quả do vậy sẽ phải làm lại, hay đôi khi phải dành một thời gian lâu để giải quyết một vấn đề. Tuy nhiên, việc tham gia NCKH đã đem lại cho mình nhiều lợi ích như có cơ hội vận dụng các kiến thức chuyên ngành, trau dồi kinh nghiệm làm việc, rèn luyện cho mình cách tư duy, chủ động trong công việc hay các kỹ năng liên quan. Đồng thời, trong quá trình làm NCKH mình còn được tiếp xúc nhiều hơn với các lĩnh vực, công việc phù hợp với chuyên ngành giúp mình có thêm những góc nhìn và kiến thức về ngành mình học, từ đó có thể mở rộng cơ hội việc làm sau này.

– Đến thời điểm này, với kinh nghiệm của anh, anh có thể cho chúng em biết đánh giá của anh về các môn học mà anh chị cho là hữu ích nhất với anh – môn học không chỉ đem lại kiến thức mà còn đem lại nhiều cách suy nghĩ mới, cũng như cách tư duy, kĩ năng,…? Bên cạnh đó, các hoạt động, các khóa học hay những kĩ năng gì theo anh là cực kì cần thiết cho công việc của anh hiện nay mà có thể rèn luyện từ khi là sinh viên ạ?

Q: Theo mình các môn học trong chương trình học đều mang đến những kiến thức cơ sở phục vụ công việc của mình hiện tại. Ngoài việc học được các kiến thức, trong các môn học, các thầy cô luôn truyền đạt thêm những kỹ năng và kiến thức mở rộng cũng như cách tiếp cận hiệu quả nhất. Do vậy mà sinh viên không chỉ học kiến thức mà còn được rèn luyện các kỹ năng theo từng môn học. Và mình thấy rằng, việc mà sinh viên cần rèn luyện thêm trong lúc học đại học đó là các kỹ năng mềm và sự chủ động trong công việc.

– Ở Viện Vật lý kỹ thuật, các thầy có thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ, tâm sự với các anh về các vấn đề trong việc học tập, cuộc sống hay không ạ? Nếu có, thì anh đánh giá thế nào về sự gắn kết giữa các thầy/cô với các bạn sinh viên ở Viện mình? Điều đó có giúp ích cho anh không ạ?

Q: Như mình đã chia sẻ, các thầy cô trong viện rất nhiệt tình và tâm huyết. Các thầy cô luôn sẵn lòng lắng nghe, chia sẻ và đưa ra lời khuyên cho bất kỳ sinh viên nào cần. Chính vì vậy, giữa sinh viên và các thầy cô có sự gắn kết rất chân thành, giúp thầy cô và sinh viên gần gũi hơn.

– Anh thấy sinh viên Vật lý có lợi thế gì trong việc theo đuổi việc học lên cao ở các nước phát triển như Hàn Quốc ạ? Anh có thể chia sẻ thêm về việc xin học bổng đi học ở Hàn Quốc không ạ?

Q: Sinh viên Vật lý kỹ thuật có một lợi thế là có thể tham gia vào các nhóm nghiên cứu từ sớm. Môi trường nghiên cứu này không chỉ tạo điều kiện cho các bạn tiếp xúc, làm quen với các máy móc, thiết bị hiện đại mà còn giúp các bạn rèn các kỹ năng nghiên cứu. Đây là một lợi thế cho sinh viên Vật lý kỹ thuật mình khi xin học bổng học cao hơn hay ứng tuyển vào các vị trí Kỹ sư R&D ở các công ty lớn như các bạn tốt nghiệp cùng đợt với anh. Anh theo đuổi việc học tiếp nên ngoài việc tham gia nghiên cứu từ sớm, anh cũng chuẩn bị tiếng Anh, xin tư vấn từ các thầy cô, và liên hệ với các anh chị cựu sinh viên để tìm kiếm các cơ hội. Do làm việc chăm chỉ trên phòng thí nghiệm nên anh cũng có một số kết quả để báo cáo ở Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học và Hội nghị toàn quốc về Vật lý chất rắn và Khoa học vật liệu 2021 tổ chức ở Cần Thơ. Với các kết quả này trong CV, việc xin học bổng của anh khá thuận lợi. Một thuận lợi nữa là người nhận hồ sơ của anh bên Hàn Quốc cũng là một cựu sinh viên Vật lý kỹ thuật. Mình cứ chăm chỉ, chuẩn bị sẵn sàng thì khi cơ hội đến, mình nắm được ngay. Với sinh viên Vật lý kỹ thuật, anh nghĩ cái khó nhất là chuẩn bị tiếng Anh. Các bạn nên học để có chứng chỉ quốc tế từ sớm để khi chuẩn bị tốt nghiệp, việc apply đi học tiếp sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.

– Cuối cùng, anh có lời khuyên gì cho các bạn sinh viên không ạ? (về kỹ năng mềm, thái độ, mục đích học tập, về việc NCKH, cách chọn việc làm, vv…). Anh có điều gì muốn nhắn gửi tới các thầy cô và các bạn Viện VLKT không ạ?

Q: Mình nghĩ các bạn sinh viên nên chủ động học tập và ngoài ra thì nên tham gia các hoạt động khác như nghiên cứu khoa học, tham gia các khóa học kỹ năng mềm, hoạt động xã hội,… để tăng thêm kinh nghiệm và kỹ năng sống. Mình muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các thầy cô trong Viện và chúc các thầy cô luôn nhiệt tâm, tâm huyết với nghề và có thể hướng dẫn được nhiều sinh viên giỏi hơn nữa.

– Cảm ơn anh vì dù rất bận rộn vẫn dành thời gian trả lời phỏng vấn. Chúc anh mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công! Chúc những dự định của anh sẽ sớm trở thành hiện thực và hy vọng rằng anh sẽ tiếp tục đồng hành với Viện trong các hoạt động hướng nghiệp cho các bạn sinh viên và xây dựng cộng đồng cựu sinh viên Vật lý kỹ thuật, cựu sinh viên Bách Khoa Hà Nội, mạnh và bền vững!

Người thực hiện: Nguyễn Tuấn Hùng
Nguồn: https://prsep.wordpress.com/2023/07/05/sinh-vien-vat-ly-ky-thuat-voi-dinh-huong-nghe-nghiep-tro-thanh-chuyen-gia/