Đào tạo thực tiễn đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển năng lực và kỹ năng cho sinh viên, giúp cho các em có thể áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế cũng như định hướng công việc của mình trong tương lai.
Nhằm đáp ứng mục tiêu đó, hàng năm, Trung tâm Đào tạo, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã tổ chức nhiều khóa thực tập chuyên đề về các lĩnh vực khác nhau liên quan đến ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân trên Lò phản ứng. Năm nay, Trung tâm tổ chức khóa thực tập chuyên đề Vật lý hạt nhân và Vật lý Lò cho sinh viên năm thứ ba trường Đại học Bách Khoa Hà Nội từ ngày 03/4 đến ngày 07/4/2023.
Thông qua các chuyên đề được giảng viên giảng dạy và hướng dẫn thực tập như: 1) Tổng quan về Vật lý lò và Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt; 2) Kiến tập điều khiển lò phản ứng và các hệ thống công nghệ liên quan; 3) Đo che chắn Neutron; 4) Đo và xử lý số liệu trùng phùng gamma-gamma đối với nguồn Co-60; 5) Xác định hoạt độ bằng phương pháp nhấp nháy lỏng…, sinh viên có thể nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình trong các lĩnh vực này.
Ngoài ra trong chương trình đào tạo, việc tham gia thực hành đo đạc và xử lý số liệu tại phòng thí nghiệm cũng giúp cho sinh viên có được những kinh nghiệm thực tiễn, hiểu rõ hơn về các ứng dụng của công nghệ và kỹ thuật hạt nhân phục vụ trong đời sống, công nghiệp, y tế và môi trường.
Qua quá trình học tập, trao đổi với các giảng viên và nhà khoa học trong lĩnh vực hạt nhân, sinh viên còn có thể trau dồi thêm các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và quản lý thời gian hữu ích. Cùng các nội dung trên, diễn tập ứng phó với “Tình huống thất lạc nguồn phóng xạ tại cơ sở bức xạ” là chuyên đề được các em diễn tập sôi nổi và sinh động, nắm bắt và làm chủ tình huống khẩn cấp trong an toàn bức xạ.
Cuối khóa thực tập, sinh viên thực hiện báo cáo về kết quả thực tập của mình, và nhận được sự đánh giá, nhận xét của các giảng viên tham gia giảng dạy. Sau một tuần thực tập, sinh viên đã có những trải nghiệm thực tế quý giá, hiểu rõ hơn về các ứng dụng của công nghệ và kỹ thuật hạt nhân từ đó nâng cao khả năng tư duy và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Các báo cáo kết quả thực tập của sinh viên được đánh giá cao và được nhận xét, đánh giá tích cực từ phía các giảng viên.
Khóa thực tập này đã đóng góp vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, giúp cho các sinh viên trang bị thêm kỹ năng và kiến thức để sẵn sàng đáp ứng với thị trường lao động và thực tế công việc trong tương lai.
Đặng Thị Tú, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (VINATOM)