Sáng nay (7/10/2024), tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã diễn ra lễ khai giảng Khóa học Công nghệ Nhà máy điện Hạt nhân Nhật Bản cho cán bộ trẻ và sinh viên, học viên sau đại học của Việt Nam.
Khóa học được tổ chức thường niên từ năm 2019 theo thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST), Công ty Phát triển Năng lượng Hạt nhân Quốc tế Nhật Bản (JINED) và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM). Chương trình khóa học Công nghệ nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản gồm 3 hợp phần đào tạo: 1) Vật liệu hạt nhân cơ bản; 2) Công nghệ, kỹ thuật cơ bản cho nhà máy điện hạt nhân; 3) Vấn đề an toàn và quản lý cho các nhà máy điện hạt nhân, cung cấp cho học viên một cái nhìn tổng quan và thiết thực về công nghệ mới nhất trong lĩnh vực điện hạt nhân. Năm nay số lượng học viên khóa học tăng mạnh, chủ yếu là các sinh viên chuyên ngành Vật lý Hạt nhân từ ĐHBKHN, ĐHKHTN HN và ĐHSP HN, các học viên và nghiên cứu viên từ Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và các cơ quan liên quan đến lĩnh vực Năng lượng Hạt nhân.
Phát biểu khai mạc khóa học, ngài Teppei Fukuhara – Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, thông tin: “Kể từ khi nhậm chức, Tổng bí thư Tô Lâm đã nói là sẽ tiến hành phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược như một phương sách cụ thể, để dẫn đến ”thời đại mới”, ”thời đại nhảy vọt của dân tộc Việt Nam”. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, trong vòng 10 năm kể từ năm 2012 đến nay, nhu cầu điện ở Việt nam đã tăng gần 10%, và được dự kiến vẫn sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai. Để hỗ trợ việc này, thì việc đảm bảo cơ sở hạ tầng năng lượng là một thách thức rất lớn, đồng thời còn phải song song với việc đạt mục tiêu trung hòa cacbon vào năm 2050 đặt ra trong Quy hoạch năng lượng quốc gia (PDP8), trong đó điện hạt nhân đóng một vai trò đặc biệt quan trọng”. Ngài Teppei Fukuhara tin tưởng các giảng viên và học viên tham gia khóa học sẽ tích lũy được nhiều giá trị, không chỉ nâng cao sự hiểu biết về điện hạt nhân mà còn củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân
PGS. TS. Nguyễn Đắc Trung, Trưởng Ban Hợp tác đối ngoại, Đại học Bách khoa Hà nội, cho biết theo thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, gió ngoài khơi ngày 12/09/2024, Bộ Công Thương được giao rà soát tổng thể các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030 (Quy hoạch điện VIII), đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển loại năng lượng này tại Việt Nam trong thời gian tới bổ sung nguồn điện nền, giảm thiểu rủi ro về môi trường. Do vậy, nguồn nhân lực chất lượng cung cấp bời khóa học này sẽ là nhân tố quan trọng tham gia nhiệm vụ nghiên cứu khả thi và chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch tái khởi động dự án điện hạt nhân. PGS. TS. Nguyễn Đắc Trung tin tưởng rằng sự hợp tác của các bên sẽ ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu như mục tiêu đặt ra, đặc biệt công ty JINED sẽ tiếp tục là một đối tác tin cậy và thân thiết của trường, không chỉ trong những hoạt động đào tạo và tuyển dụng mà còn đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.
Ông Takeshi MAKIGAMI – Giám đốc điều hành JINED rất vui mừng được thay mặt JINED phát biểu cũng như tham gia giảng dạy tại khóa học, đồng thời cho biết Nhật bản đã và đang rất nỗ lực tập trung nâng cao tính an toàn cho nhà máy ĐHN sau bài học sự cố Fukushima năm 2011. Kết quả cho nỗ lực đó là đã có 12 tổ máy nhà máy Điện Hạt nhân đạt tiêu chuẩn an toàn dựa trên kết quả kiểm tra của Cơ quan pháp quy Nhật Bản, và được tái khởi động. Trong bối cảnh gần đây Việt Nam và Nhật Bản cũng như các quốc gia trên thế giới đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầ, nhiều khu vực vẫn còn xảy ra xung đột cho nên nhận thức tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn năng lượng ổn định ngày càng cao. Năm ngoái Chính Phủ Nhật Bản cũng đã chỉ đạo chủ trương sử dụng nguồn điện hạt nhân với mức cao nhất. Ông Takeshi MAKIGAMI cho rằng cơ sở của việc sử dụng đúng năng lượng hạt nhân là khoa học kỹ thuật. Do vậy trong khóa học, các chuyên gia Nhật Bản sẽ chia sẻ về khoa học kỹ thuật trong nhà máy Điện Hạt nhân được đúc kết trong mấy chục năm vừa qua.
TS. Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam nhấn mạnh “Suốt nhiều năm qua, chúng ta luôn duy trì Khóa đào tạo về Công nghệ nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản, cũng như vẫn giữ vững một niềm tin vào tương lai phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.” và tin rằng trồng cây sẽ có ngày hái quả ngọ, sự kiên trì, bền bỉ của các bên rồi sẽ được đền đáp xứng đáng. Các bên đã, đang và sẽ luôn luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực khi điện hạt nhân quay trở lại Việt Nam. Nguồn nhân lực là chìa khoá cho sự thành công của mọi chương trình điện hạt nhân. Việc đào tạo nguồn nhân lực để phát triển điện hạt nhân sẽ là một kế hoạch lớn và khó, nhưng có thể nói rằng sự hợp tác giữa JINED với Việt Nam trong những năm qua đã góp phần cho kế hoạch nguồn nhân lực lớn đó. TS. Phạm Quang Minh gửi lời cảm ơn ngài Makigami và các đồng nghiệp của Công ty JINED, Đại học Bách khoa Hà Nội đã luôn đồng hành cùng với VinAtom kiên trì trên con đường này.
Ông Hiroki TAKIMOTO- Tổng Giám đốc JICC đã mở đầu bài phát biểu bằng câu chuyện thực tế về mùa hè nóng bức ở Nhật Bản, tháng 8 vừa qua đã có hơn 80.000 người đã phải nhập viện do quá nóng. Mưa và ngập lụt kỷ lục cũng đã xảy ra. Nhiệt độ nước biển tăng cao làm lượng bốc hơi nước biển cũng tăng lên và gây ra những trận mưa kỷ lục. Ở các khu vực trên thế giới đã xảy ra hiện tượng nắng nóng kỷ lục cũng như sóng nhiệt và hạn hán, lũ lụt quy mô lớn, cháy rừng với mức độ ngày càng nhiều. Với những ảnh hưởng của các hiện tượng này làm cho nông nghiệp ngày càng mất mùa trầm trọng, giá cả lương thực ngày càng tăng cao. Để vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và chống biến đổi khí hậu cũng như đảm bảo an ninh năng lượng, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định mở rộng Năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. Vào tháng 12 năm ngoái tại COP 28 ở UAE, có trên 20 quốc gia đã ký vào bản tuyên ngôn tăng điện hạt nhân trên toàn thế giới lên gấp 3 lần nhằm chấm dứt hiện tượng nóng lên của trái đất.
Để đạt được cả 2 mục tiêu trung hòa các bon vào 2050 và phát triển kinh tế thì trong tương lai ở Việt Nam cũng cần phải có Điện Hạt nhân. Thế hệ trẻ cũng cần thiết phải tập trung chuẩn bị cho kế hoạch này. Theo quan điểm đó thì khóa học này rất quan trọng và dự án nhà máy Điện Hạt nhân ở Ninh Thuận sẽ kết nối mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản trong tương lai nên JICC tiếp tục hỗ trợ hợp tác với VN chủ yếu trong lĩnh vực đào tạo nhân lực. Ông Hiroki TAKIMOTO rất mong các học viên sẽ phát huy được kiến thức đã học trong khóa học này cho tương lai về sau.
Khóa học diễn ra trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 07/10 đến 18/10/2024. 02 học viên xuất sắc nhất khóa học sẽ được lựa chọn sang thăm quan các cơ sở công nghiệp hạt nhân Nhật Bản trong thời gian 1 tuần.
Tổng hợp: Khoa Vật lý Kỹ thuật