Anh Nguyễn Quang Thanh là cựu sinh viên Vật lý kỹ thuật K63 chuyên ngành Quang học-Quang điện tử. Anh tốt nghiệp vào tháng 3/2023, tức anh kết thúc chương trình kỹ sư 5 năm trong 4,5 năm. Hiện nay, anh Thanh đang làm việc tại Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel. Anh Thanh phụ trách công việc thiết kế hệ quang, lắp ráp thấu kính, đo kiểm thiết bị quang học.
Về việc làm thế nào mà anh có được công việc đáng mơ ước ngay trước khi nhận bằng, anh Thanh chia sẻ: “Anh tìm đến công việc hiện tại thông qua bài đăng tuyển dụng trên trang facebook của Viện. Sau đó anh đã gửi CV để phỏng vấn. Theo anh, đây là công việc đúng với chuyên ngành và áp dụng những kiến thức nền tảng đã được học vào trong công việc. Sau 2 vòng phỏng vấn về những kiến thức liên quan tới những gì đã được học và những thứ liên quan đến công việc, anh đã vượt qua và đã trở thành nhân viên chính thức của công ty”
Khi được hỏi về những cơ hội việc làm cho sinh viên Vật lý kỹ thuật tại Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel như thế nào, và anh thấy ưu điểm của sinh viên vật lý khi vào làm ở đó ra sao. Anh Quang Thanh chia sẻ: “Có rất nhiều vị trí công việc cần kiến thức liên quan tới Ngành Vật lý kỹ thuật, do vậy cơ hội cho sinh viên Vật lý kỹ thuật là rất nhiều. Có nhiều các bạn làm ở nhiều nhóm khác nhau trong Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel. Vì sinh viên Vật lý có ưu điểm là kiến thức nền tảng trong nhiều lĩnh vực, dễ tiếp thu những kiến thức nâng cao, chuyên ngành khi làm việc. Công ty anh tuyển cả cử nhân, kỹ sư, và hệ thạc sĩ nữa. Do vậy, các em là sinh viên năm 4 có thể vào công ty anh thực tập được nhé. Công ty anh vẫn hay đăng bài tuyển dụng thực tập và nhân viên thường xuyên, các em có thể theo dõi để biết nhiều thông tin hữu ích hơn nhé. Làm việc trong công ty anh thì mỗi nhân viên sẽ được hưởng phúc lợi tốt nhất. Lương cơ bản sẽ dao dộng trong khoảng từ 700-1200$ đối với kỹ sư và cao hơn nữa với kỹ sư chính và các chuyên gia. Ngoài ra còn các phúc lợi khác đảm bảo mọi quyền lợi tốt nhất cho các nhân viên”.
Khi được hỏi về kinh nghiệm học tập để đạt được thành tích tốt như vậy. Anh Quang Thanh chia sẻ: “Anh là một sinh viên bình thường như bao người khác thôi. Anh không hay tham gia mấy hoạt động tình nguyện và hay hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhưng anh luôn tuân thủ phương châm làm việc, thứ nhất là anh luôn giữ thái độ học tập và làm việc tập trung, thứ hai học là phải nắm chắc được kiến thức chuyên môn, và thứ ba phải có ngoại ngữ ổn. Trong các điều trên, theo anh quan trọng nhất có lẽ là thái độ.”
Anh cũng trao đổi thêm là: “Các em (các bạn sinh viên) cần có kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tự học, độc lập tư duy, và tính cẩn thận. Và anh thường xuyên lên lab để học hỏi và làm việc thực tế nhiều hơn.” Lab anh Thanh đã theo là lab của PGS. Lương Hữu Bắc, thuộc bộ môn Quang học-Quang điện tử. Anh chia sẻ thêm là: “Doanh nghiệp của anh khá chuộng các sinh viên Vật lý làm về nhiều nhóm công việc như: nhóm thuật toán, nhóm laser, nhóm thiết kế quang,…và đều thuộc trung tâm Quang điện tử. Anh đã được làm việc với đúng chuyên ngành Quang học-Quang điện tử của Viện Vật lý kỹ thuật”.
Khi được hỏi về lý do tại sao ngày xưa anh lại chọn ngành Vật lý kỹ thuật, anh đã chia sẻ về tình yêu với Vật lý và Kỹ thuật của mình là: “Anh thích ngành Vật lý kỹ thuật vì kiến thức đa dạng, công việc có thể sau khi ra trường là đa dạng và thực tiễn trong sản xuất. Khi phân chuyên ngành, anh đã chọn theo chuyên ngành Quang học-Quang điện tử. Bởi phần vì anh đam mê, phần vì anh đã làm đồ án liên quan đến Vật liệu điện tử và công nghệ nano rồi nên muốn học cả kiến thức về quang. Và anh thấy rằng cơ hội việc làm liên quan đến chuyên ngành này cũng khá nhiều”.
Khi được hỏi về các chuyên ngành ở Vật lý kỹ thuật và cơ hội việc làm của các chuyên ngành khác nhau như thế nào, anh Thanh chia sẻ: “Anh thấy có một số công việc như bên thiết kế quang học mà anh đang làm thì có đòi hỏi về chuyên ngành quang đối với sinh viên thực tập, yêu cầu phải có kiến thức nền tảng quang học và biết sử dụng cơ bản phần mềm zemax. Công việc phù hợp với chuyên ngành sẽ giúp giảm thời gian đào tạo của doanh nghiệp đồng thời giúp mình có cơ hội được vận dụng các kiến thức đã học để nâng cao chuyên môn, kinh nghiệm. Tuy khi còn là sinh viên thì chưa biết sau này sẽ làm gì nhưng nên có định hướng về chuyên ngành sớm để có thể chủ động hơn khi học tập và tìm việc. Theo như anh biết, chuyên ngành vật liệu thì sẽ phù hợp với công ty làm về mảng vật liệu bán dẫn, phân tích, đo đạc, nghiên cứu phát triển vật liệu. Còn chuyên ngành quang thì sẽ thiên về công việc liên quan đến chiếu sáng, năng lượng tái tạo, laser và thiết kế hệ quang như anh đang làm. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp sinh viên làm được chéo giữa hai ngành Vật liệu điện tử và Quang học-Quang điện tử – đó là điểm mạnh của vật lý mình.”
Khi được hỏi về những kỉ niệm đối với thầy cô, với Viện Vật lý kỹ thuật, với mái trường Đại học Bách Khoa Hà Nộ và những điều anh muốn nhắn gửi tới thầy cô, các em sinh viên khóa sau, anh Thanh hào hứng chia sẻ: “Kỉ niệm nhiều nhất có lẽ với anh là khi lên lab với thầy và các bạn. Những câu chuyện vui của anh ở trên lab với thầy Bắc thì kể suốt ngày không hết (anh cười). Và anh cũng cảm ơn thầy, cô Viện Vật lý kỹ thuật đã luôn giúp đỡ chúng em rất nhiều trong quá trình học tập. Anh chúc cho các bạn sinh viên Viện Vật lý kỹ thuật sớm đạt được các mục tiêu trong học tập và tìm được công việc phù hợp trong tương lai!”
Xin cảm ơn anh Thanh đã dành thời gian để chia sẻ. Những thông tin anh Thanh đã chia sẻ quả thực là rất hữu ích với các bạn sinh viên năm nhất và năm hai!
Thực hiện: Nguyễn Thị Thanh Hoa
Nguồn: https://prsep.wordpress.com/2023/07/06/ky-su-quang-hoc-voi-luong-thang-nghin-do/