Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội vừa ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Phát triển và Phân phối các Giải pháp về Công nghệ cao LVT vào sáng ngày 10/8, tập trung thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức và sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tập trung vào sản phẩm pin sạc, ắc quy.
Hai bên hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiên cứu dự án khoa học trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển, thương mại hóa sản phẩm pin sạc, ắc quy. Hợp tác này sẽ tiến tới việc thành lập doanh nghiệp trực thuộc hệ thống doanh nghiệp của Bách khoa Hà Nội – Công ty BK-Holding nhằm áp dụng, khai thác các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ.
PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, đánh giá cao hợp tác của công ty trong công tác năng lượng và phát triển bền vững, một trong những hướng nghiên cứu ưu tiên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, “tôi tin rằng sự hợp tác này sẽ mang lại kết quả nhất định về công nghệ”. Ông cũng khẳng định thêm, “bên cạnh sự quan tâm, cần sự quyết tâm của cả hai bên bởi sự phát triển nhanh về công nghệ trong một thị trường pin rất lớn tại Việt Nam”.
Xây dựng phòng thí nghiệm hàng đầu khu vực
“Những trang thiết bị của công ty hỗ trợ cùng máy móc hiện có của Viện đã xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại và hoàn chỉnh để nghiên cứu về lĩnh vực pin sạc”, GS. Nguyễn Hữu Lâm, Viện trưởng Viện Vật lý Kỹ thuật, phát biểu tại buổi lễ ký kết.
Đây là phòng thí nghiệm phục vụ công đoạn cuối hoàn thiện sản phẩm, gồm 9 hệ thống máy gồm hệ thống trộn điện cực, nhúng phủ, sấy, cán điện cực, hàn điểm nối điện cực và đóng gói…
Toàn bộ chi phí mua và vận chuyển thiết bị, nguyên vật liệu và một phần chi phí cho sinh viên được công ty LVT đầu tư và tài trợ để hỗ trợ nghiên cứu, với tổng số tiền lên tới gần 4 tỉ đồng. Cùng với 2 phòng thí nghiệm sẵn có của Viện Vật lý Kỹ thuật, phòng thí nghiệm mới tạo thành một dây chuyền khép kín, có thể hoàn thiện được sản phẩm đến bước cuối cùng.
TS. Phạm Tùng Dương, cán bộ triển khai dự án, với hai năm kinh nghiệm tại Viện Nghiên cứu năng lượng Helmholtz (Đức) và nhiều năm làm việc tại các phòng nghiên cứu Hàn Quốc, tự tin khẳng định, “tôi cho rằng chúng tôi đang có một phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất Việt Nam và nằm trong nhóm đầu của khu vực Đông Nam Á”.
Tham gia sử dụng phòng thí nghiệm có 20 sinh viên và 5 thạc sỹ từ Viện Vật lý Kỹ thuật và Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu. “Các bạn sinh viên được học trên những gì đang làm, và được trả lương làm những gì mình đang thích”, TS. Dương cho biết mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp không chỉ tập trung vào thiết bị, máy móc hay sản phẩm mà quan trọng hơn là đào tạo con người.
Nghiên cứu và phát triển một thế hệ pin mới
Thị trường pin của Việt Nam rất lớn và nhiều tiềm năng, nhưng phần lớn pin tại Việt Nam đều được nhập về Trung Quốc, nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp liên quan đến pin. Theo báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu Argus Media của Anh, giá Lithium, một kim loại hiếm được sử dụng trong sản xuất pin sạc, đã tăng gấp 5 lần kể từ tháng 4/2021 và 70% từ cuối năm 2021 do nhu cầu của các nhà sản xuất ôtô tăng cao.
“Chúng tôi quyết định phát triển thế hệ pin hoàn toàn khác, pin kẽm, chú trọng an toàn – thân thiện môi trường – hiệu quả”, TS. Dương chia sẻ về ý tưởng thay thế nguồn pin nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo anh, kẽm là sản phẩm có sẵn trong tự nhiên, không gây độc hại cho môi trường, đồng thời dễ dàng tái chế và tái sử dụng. Loại pin này có thể được làm thủ công bằng tay mà không gây độc hại cho người sản xuất và người sử dụng, trong khi hiệu quả ngang bằng với dòng pin lithium. Đây sẽ là hướng đi mới để dần thay thế các dòng pin phổ biến hiện này như pin axit-chì và lithium.
Pin axit-chì có đặc điểm là gây hại môi trường nếu không được tái chế. Tuy nhiên, nếu chi phí tái chế đắt hơn chi phí sản xuất thì loại pin này sẽ bị xả thải ra môi trường. Trong khi đó, pin lithium có chi phí khá cao. TS. Dương cho biết, “thế hệ pin mới có thể thay thế hoàn toàn pin axit-chì để bảo vệ môi trường và không phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc”.
Thành công bước đầu là các sản phẩm đã hoàn thiện. Đặc biệt, nguồn cung nguyên liệu là 100% từ nội địa, do các đơn vị nghiên cứu và phát triển nguyên liệu của Việt Nam cung cấp. “Đây chính là điểm thắng lợi nhất của sản phẩm”, TS. trẻ khẳng định.
“Chúng tôi đã hoàn chỉnh quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm cuối cùng với giá cạnh tranh. Sản phẩm rẻ hơn pin lithium nhưng tốt hơn pin axit-chì, mặc dù mới sản xuất ở quy mô nhỏ. Sau khi sản xuất ở quy mô lớn, sản phẩm sẽ được tối ưu hóa,” nhà khoa học trẻ nhận định.
Hiện thực hóa ý tưởng để phục vụ xã hội
Trong giai đoạn sản xuất, hai bên sẽ cùng thành lập công ty spin-off trực thuộc BK-Holdings. Công ty LVT đóng vai trò cổ đông chính của công ty mới, hỗ trợ tài chính và chiến lược thâm nhập thị trường trong giai đoạn đầu.
Tại buổi lễ ký kết, ông Bùi Anh Vũ, Giám đốc công ty LVT, kỳ vọng vào sự hợp tác đôi bên, “kết quả của những bước đi đầu rất khả thi. Tôi cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp và nhà trường cùng bắt tay để dấn thân vào thị trường đang phát triển rực rỡ”.
Trong 1 năm tới, loại pin này sẽ được thử nghiệm trên một triệu sản phẩm trong thực tế. Với slogan “Năng lượng cho phát triển bền vững” của công ty sắp thành lập, TS. Dương cho rằng câu chuyện môi trường và năng lượng phải luôn song hành, hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước, đảm bảo mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 theo lời cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021.
“Chúng tôi phát triển công nghệ này trong 6 tháng. Đây là một bước tiến thần tốc”, TS trẻ Viện Vật lý Kỹ thuật cho biết. Xa hơn, TS. Dương mong muốn sẽ cùng các sinh viên và đồng nghiệp tại Bách khoa Hà Nội phát triển pin Natri, chất có sẵn trong đại dương, nhưng có nhiều điểm tương đồng với lithium. Không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu quý hiếm cũng là xu hướng năng lượng chung toàn cầu.
Theo hust.edu.vn