ĐH BÁCH KHOA HÀ NỘI TIẾP TỤC HỢP TÁC VỚI NHẬT BẢN VÀ VINATOM ĐÀO TẠO CÔNG NGHỆ ĐIỆN HẠT NHÂN

ĐH BÁCH KHOA HÀ NỘI TIẾP TỤC HỢP TÁC VỚI NHẬT BẢN VÀ VINATOM ĐÀO TẠO CÔNG NGHỆ ĐIỆN HẠT NHÂN

Sáng thứ Sáu (09/09/2021), lễ khai giảng Khóa học Công nghệ nhà máy Điện hạt nhân Nhật Bản 2021 do Đại học Bách khoa Hà nội, công ty Phát triển Năng lượng hạt nhân quốc tế Nhật Bản (JINED) và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) phối hợp tổ chức đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến trên nền tảng MS TEAMS do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tham dự Lễ khai giảng khoá học JINED2021 có sự hiện diện của ông Teshuhiro Nobuta, tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà nội; TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM), ông Tomoaki Shirakawa, Giám đốc điều hành công ty JINED; ông Akio Toba, Giám đốc điều hành tổ chức JICC; cùng toàn thể giảng viên và học viên của khoá học.

Phát biểu tại buổi lễ khai giảng, ông Teshuhiro Nobuta đã đánh giá cao nỗ lực, sự đồng thuận và quyết tâm cao của Đại học Bách khoa Hà nội, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và công ty JINED, tổ chức JICC trong việc tiếp tục hợp tác tổ chức khoá học dưới hình thức trực tuyến. Ông cũng nhấn mạnh tình hình tiêu thụ điện ở các nước ASEAN tăng cùng với phát triển kinh tế. Ở các khu vực hay các nước khác để cắt giảm khí hiệu ứng nhà kính thì đang có sự chuyển đổi rất lớn thông qua việc chuyển từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí và Năng lượng tái tạo. Trong bối cảnh đó, dù Điện Hạt nhân vẫn đang có nhiều vấn đề tồn tại nhưng vẫn được kỳ vọng phát huy vai trò là nguồn điện ổn định khác với NLTT. Tuy Việt nam đã tạm dừng kế hoạch xây dựng nhà máy Điện Hạt nhân năm 2016 nhưng ở các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, v.v. vẫn tiếp tục coi Điện hạt nhân là nguồn phụ tải nền quan trọng. Qua bài học rút ra từ sự cố Fukushima, Nhật Bản đang tiếp tục tái khởi động đến mức cao nhất với các nhà máy hiện có đồng thời tập trung phát triển thế hệ Lò phản ứng tiếp theo có tính an toàn vượt trội.

Khóa học diễn ra trong 5 tuần, từ 9-9-2021 đến 14-10-2021 với 3 hợp phần đào tạo gồm: (1) Vật lý hạt nhân cơ bản; (2) Công nghệ kỹ thuật cơ bản cho các nhà máy điện hạt nhân; (3) Vấn đề an toàn và quản lý cho các nhà máy điện hạt nhân, cung cấp cho học viên một cái nhìn tổng quan và thiết thực về những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực điện hạt nhân. Đối tượng tham gia là cán bộ trẻ, sinh viên đại học và học viên sau đại học; các cán bộ đang giảng dạy, làm việc và học tập trong ngành kỹ thuật có liên quan tới Năng lượng Hạt nhân có kỹ năng nghe – nói tiếng Anh loại khá trở lên. Viện Vật lý Kỹ thuật được giao trọng trách tổ chức và điều hành khoá học.

Sau khi kết thúc khoá học, 2 học viên xuất sắc nhất khoá học sẽ có cơ hội được tham quan các cơ sở công nghiệp Hạt nhân cũng như Nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản.

Tổng hợp: Viện Vật lý Kỹ thuật