Nguyễn Hoàng Minh – Chàng trai theo đuổi đam mê vật lý tại Viện Vật lý kỹ thuật

Nguyễn Hoàng Minh – Chàng trai theo đuổi đam mê vật lý tại Viện Vật lý kỹ thuật

Anh Nguyễn Hoàng Minh kết thúc chương trình kĩ sư trong 4.5 năm với bằng xuất sắc. Anh vừa bảo vệ luận văn Thạc sĩ của mình sau 1.5 năm học ở Hàn Quốc. Với Giải Nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lý anh có nhiều sự lựa chọn ngành nghề ở Bách Khoa nhưng anh đã chọn đi theo niềm đam mê của mình với môn Vật lý và đi theo người thầy mà anh đã thần tượng từ lâu – PGS. Đặng Đức Vượng. Với anh, niềm vui đơn giản là sáng tạo và phát triển ra một “điều gì” đó mới mẻ và có ích. Sau đây là đoạn trao đổi ngắn giữa anh Nguyễn Hoàng Minh với đội truyền thông Viện Vật lý kỹ thuật PR-SEP về việc lựa chọn ngành nghề cũng như định hướng công việc.

Xin chào anh Minh, anh có thể giới thiệu đôi chút về vị trí hiện tại của anh được không ạ?

Chào bạn, hiện tại mình vẫn đang là nghiên cứu sinh ở Đại học khoa học và công nghệ Hàn Quốc (University of Science and Technology UST), ngành Vi cơ điện tử (MEMS – Micro Electro-Mechanical System – lĩnh vực phát triển dựa trên nền tảng công nghệ vi điện tử – Vật lý kỹ thuật) và đang làm nghiên cứu viên tại Viện Máy và Vật liệu Hàn Quốc, bộ phận công nghệ chế tạo nano (Korea Institute of Machinery and Materials-KIMM).

Theo em được biết, học bổng Thạc sĩ và Tiến sĩ của anh ở đây rất cao so với mặt bằng chung ở Hàn Quốc. Trước khi sang đây anh cũng từ chối lời mời về làm việc cho LG Innotek sau khi thực tập ở đó. Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình về quá trình thực tập và quá trình xin học bổng được không ạ?

Do mình đã định hướng từ đầu là sau khi tốt nghiệp mình tiếp tục học tiếp nên con đường mình chọn sẽ khác một chút so với các bạn của mình chọn đi làm ngay sau khi ra trường. Để chuẩn bị cho việc đi du học, việc trải nghiệm nhiều môi trường đặc biệt là môi trường đa quốc gia cành nhiều càng tốt. Vì vậy anh đã tham gia tình nguyện viên cho Hội nghị tinh thể học châu Á Thái Bình Dương (AsCA 2016), tiếp đó là tình nguyện viên cho Ban chuyên môn của kì thi Olympic Vật lý Châu Á (APhO2018). Anh cũng chủ động trau dồi ngoại ngữ ngay từ sớm – anh đi học IELTS từ đầu năm thứ ba – ngay sau khi kết thúc hai năm đại cương, cái này quan trọng lắm. Khi có tiếng Anh kha khá, các bạn có rất nhiều cơ hội xin học bổng trao đổi đi các nước – như anh đã đi trao đổi ở Nhật và Singapore. Đến cuối năm thứ tư anh bắt đầu tìm kiếm cơ hội thực tập ở các công ty đa quốc gia và anh đã may mắn được tham gia một chương trình thực tập hè tại LG Innotek. Qua chương trình này mình cảm thấy có lẽ ngoại ngữ tốt đặc biệt là khả năng giao tiếp tự tin sẽ là một điểm cộng cực kì lớn cho các bạn mới tốt nghiệp trong quá trình tìm việc (đây là một lợi thế của anh do anh đã có chuẩn bị trước).
Về quá trình xin học bổng, thì đây cũng là một quá trình tích lũy và làm đẹp hồ sơ. Bên cạnh thành tích học tập, ngoại ngữ thì một điểm rất quan trọng là thành tích nghiên cứu khoa học (NCKH). Anh tham gia NCKH nhóm của PGS.TS Đặng Đức Vượng và TS.Vũ Xuân Hiền từ cuối năm 3. Lúc đó mình chủ yếu nghiên cứu và phát triển vật liệu cho cảm biến khí ga sau đó thì có một kì làm về vật liệu cho Pin ion Na. Sau đó thì cũng có một số kết quả để tham gia cuộc thi NCKH ở BK và trình bày poster và thuyết trình tại các hội nghị khoa học toàn quốc và quốc tế.
Tham gia NCKH chắc chắn sẽ có rất nhiều lợi ích nhé. Một số cái anh có thể nghĩ ra luôn là: rèn luyện tác phong làm việc, học được tính kiên trì (vì đôi khi làm mãi không ra kết quả như ý), cải thiện khả năng ngoại ngữ vì hầu như suốt ngày phải đọc tài liệu bằng tiếng Anh…. Ngoài ra nếu có kết quả tốt thì mình có cơ hội trình bày các kết quả đạt được tại một hội nghị khoa học hay cuộc thi nào đó thì cũng sẽ là 1 điểm sáng trong CV khi đi tìm việc hoặc tìm học bổng cao học đúng ko nào? Đặc biệt là viện mình, các thầy cô luôn ủng hộ sinh viên tham gia các hội nghị khoa học nhé, hồi anh học ĐH cũng được tham gia hội nghị ở Huế và Ninh Bình, đó là cơ hội rất tốt cho chúng ta học hỏi và … “đi du lịch” nhỉ (cười).
Tuy nhiên, tham gia NCKH cũng cần khả năng sắp xếp thời gian và khả năng kiên trì. Ví dụ như có những thời điểm chán nản và mất định hướng vì làm mãi mà không ra kết quả như mong muốn. Tuy nhiên bù lại khi mình làm ra được kết quả thì sẽ cảm thấy phấn khích hơn. Theo anh các bạn nên tham gia NCKH từ năm thứ 3. Tuy là kiến thức có thể thiếu nhưng sẽ có nhiều thời gian hơn cho mình tích luỹ và tìm tòi.

Theo em được biết thì anh đã từng đạt giải nhì HSG Lý toàn quốc, vậy tại sao ở Bách Khoa có rất nhiều ngành “hot” mà anh lại chọn VLKT ?

Thứ nhất mình thích Vật lý và muốn tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển để tạo ra những điều gì mới. Thứ hai là do anh muốn theo học người thầy cũng là cựu học sinh nổi tiếng của trường Lê Hồng Phong là thầy Đặng Đức Vượng. Vì vậy thực ra anh đâu có phải lựa chọn ngành gì đâu vì anh chỉ chọn học Vật lý kĩ thuật ở Bách Khoa thôi mà.
Hơn nữa, anh luôn nghĩ ngành học nào cũng sẽ giúp mình có cơ hội phát triển nếu như mình cố gắng hết sức. Ngoài ra nói về ngành “hot” thì theo mình những năm gần đây và chắc chắn những năm tới sẽ có rất nhiều cơ hội cho các kĩ sư ngành VLKT khi mà rất nhiều công ty công nghệ cao về bán dẫn, LED, display, pin mặt trời…. đã đang đầu tư và phát triển ở Việt Nam nên là cũng có thế coi ngành VLKT ‘hot’ chứ nhỉ.

Em được biết anh không chỉ học giỏi, nhiều học bổng danh giá như Odon Vallet, tham gia công tác Đoàn (phó bí thư Liên chi), tham gia hỗ trợ CLB Sep. Anh có thể kể một thành tích mà anh thực sự cảm thấy “hài lòng” không ?

Nói về thành tích thì mình cũng cố gắng kế thừa và phát huy những gì mà các anh chị tiền bối đã đạt được thôi. Còn trong những năm học ở BK, điều mình cảm thấy hài lòng nhất là “phục thù” được môn đồ họa. Mình nhớ hồi đó năm 2 mình đã thi “tạch” môn đó nhưng sau đó khi học lại mình đã quyết tâm phục thù và được A.

Trong quá trình theo học Đại học, anh có gặp phải khó khăn gì không, thực ra mà nói ngay cả bản thân em đến năm 3 mà vẫn thấy học Bách Khoa khắc nghiệt thật. Anh có kỹ năng hay tip nhỏ nào truyền đạt lại cho các em khóa sau của ngành mình không ạ?

Trong quá trình theo học Đại học, có lẽ ai cũng biết chương trình học ở Bách Khoa khá là nặng vì thế nên việc học trên trường và ở nhà cũng đã tốn khá nhiều thời gian vì thế thường mình sẽ khó sắp xếp thời gian để có thể làm những việc khác như học ngoại ngữ hay đi làm thêm.
Mình nghĩ 2 năm đầu học đại cương có lẽ là khó nhằn nhất. Bắt đầu từ năm 3 tức là học chuyên ngành tuy độ khó không giảm đi mà đôi khi còn tăng lên nhưng bù lại thì các thầy cô viện mình luôn nhiệt tình giúp đỡ và hướng dẫn sinh viên nên ‘tip’ nhỏ của anh là cái gì không hiểu cứ mạnh dạn hỏi các thầy cô nhé.

Anh có lời khuyên gì cho những bạn sinh viên như em đang vật lộn với việc học từng kì không ạ?

Luôn cố gắng hết mình và tự tin theo đuổi đam mê nhé. Nhưng nếu em chưa thấy đam mê của mình ở đâu thì có thể nhờ các thầy cô tư vấn về định hướng tương lai. Như của anh là được thầy Đặng Đức Vượng định hướng từ ngay khi học năm thứ nhất nên anh mới xây dựng được những mục tiêu cụ thể. Khi có mục tiêu rõ ràng rồi, các em dễ dàng lên kế hoạch cho việc học của mình hơn.
Ah, các em chú ý học ngoại ngữ nhé và nhớ là nó rất quan trọng sau này đấy.

Anh là người làm việc có kế hoạch, vậy anh có thể chia sẻ một chút về định hướng trong tương lai của bản thân anh không ạ ?

Tương lai gần thì mình sẽ cố gắng hoàn thành chương trình Tiến sĩ. Tương lai xa thì mình sẽ tìm 1 công việc liên quan nghiên cứu và phát triển vì mình cảm thấy luôn hứng thú với việc tìm ra cái gì mới.

Vâng ạ. Em cảm ơn anh đã dành thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân sau tới em cũng như các bạn tân sinh viên tương lai. Em chúc anh thật nhiều sức khỏe và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa ạ!

Thành tích:
• Giải Ba Học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lý năm 2013
• Giải Nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lý năm 2014 (đã được gọi vào vòng chọn đội tuyển đi thi Quốc tế)
• Học bổng Oldon Vallet (2017, 2018)
• Học bổng Trường ĐHBK Hà Nội (5 năm liên tục 2014-2019)
• CPA: 3.65/4.0,
• Tiếng Anh: IELTS: 6.5 (ôn trong một năm) TOEIC: 885

Phỏng vấn: Tô Thị Nguyệt
Edit: Hoàng Thu Phương