Viện Vật lý kỹ thuật trực thuộc Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội – Ngôi trường đại học đa ngành về kỹ thuật hàng đầu của nền giáo dục Việt Nam. Với nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ĐHBK Hà Nội đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng quý giá cho các cá nhân và tập thể Trường.
- Tên tiếng Việt: Viện Vật lý kỹ thuật
- Tên tiếng Anh: School of Engineering Physics
- Ngày thành lập: 23/01/1985
- Khẩu hiệu: Vật lý hôm nay, Kỹ thuật ngày mai!
Giới thiệu chung:
Viện Vật lý Kỹ thuật (tên tiếng Anh: School of Engineering Physics – viết tắt SEP) được thành lập ngày 23/01/1985 theo Nghị định số 13/HĐBT của Hội Đồng Bộ Trưởng, nay là Chính phủ trên cơ sở ba Bộ môn Vật lý Đại cương, Vật lý Chất rắn và Vật lý Hạt nhân của Khoa Toán – Lý thuộc ĐHBK Hà Nội. Viện Vật lý kỹ thuật là Viện trong trường ĐH đầu tiên trong toàn quốc được thành lập nhằm thí điểm một mô hình tổ chức có khả năng kết hợp nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ phục vụ kinh tế và quốc phòng.
Tiền thân của Viện Vật lý Kỹ thuật là Bộ môn Vật lý, một trong những Bộ môn đầu tiên của trường có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng Trường ĐHBK Hà Nội.
Tháng 6 năm 2008, do nhu cầu phát triển, Bộ môn Kỹ thuật hạt nhân và Vật lý môi trường đã tách ra khỏi Viện và trở thành Viện Kỹ thuật hạt nhân và Vật lý môi trường trực thuộc Trường ĐHBK Hà Nội. Đến tháng 11/2018, theo quy hoạch của trường, Viện Kỹ thuật hạt nhân và Vật lý môi trường sáp nhập lại và trở thành bộ môn thuộc Viện. Tổ chức của Viện Vật lý kỹ thuật hiện nay bao gồm 1 Văn phòng, 6 Bộ môn (Vật lý đại cương, Vật lý lý thuyết, Vật liệu điện tử, Vật lý tin học, Quang học và quang điện tử, Kỹ thuật hạt nhân và Vật lý môi trường).
Hiện tại tổng số cán bộ công chức của Viện là 82 người, trong đó có 2 Giáo sư, 20 Phó Giáo sư, 1 Tiến sĩ khoa học, 50 Tiến sĩ, 26 Thạc sĩ.
Về công tác đào tạo, Viện đã đào tạo nên hàng trăm kỹ sư Vật lý, hơn 100 học viên Cao học và nghiên cứu sinh, giảng dạy cho hơn 50 khóa sinh viên chính quy và hàng chục khóa Tại chức, Cao đẳng; bồi dưỡng nghiệp vụ cho gần 500 cán bộ giảng dạy, cán bộ phục vụ giảng dạy của các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học phổ thông trong cả nước.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, các cán bộ của Viện đã tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu đề tài GK1 về phá bom từ trường của Mỹ đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Viện đã tiến hành các thăm dò phát hiện các khuyết tật phục vụ bảo vệ các ống dẫn dầu trong chiến tranh chống Mỹ, bảo vệ cầu cống, cung cấp nhiều thiết bị giảng dạy thí nghiệm Vật lý cho trên 50 trường Đại học, Cao đẳng và Trung học phổ thông, cung cấp dây chuyền công nghệ đèn trang trí neon sign và nguồn cao áp cho nhiều đơn vị, đồng thời cũng cung cấp các trạm năng lượng mặt trời cho đảo Trường Sa và các tỉnh vùng sâu, vùng xa…
Với các thành tích đạt được, năm 2005 Viện Vật lý kỹ thuật đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất.
Thành tích và khen thưởng:
- Huân chương Lao động hạng Nhất (2005).
- Huân chương Lao động hạng Nhì (1999).
- 10 cán bộ được nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
- 04 cán bộ được nhận Huân chương Kháng chiến.
- 05 cán bộ được Nhà nước tặng danh hiệu NGND.
- 20 cán bộ được Nhà nước tặng danh hiệu NGƯT.
- 17 cán bộ được tặng Bằng khen của Thủ tướng.
- 30 cán bộ được tặng Bằng khen của Bộ trưởng.
(Cập nhật lần cuối: 14/04/2021)