Kiều Vũ Thắng – Tân kỹ sư Vật lý kỹ thuật tại Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel

Kiều Vũ Thắng – Tân kỹ sư Vật lý kỹ thuật tại Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel

Sinh viên Vật lý kỹ thuật sẽ đóng vai trò thế nào trong thời đại công nghệ 4.0? Xu thế phát triển các công nghệ thời đại này như thế nào? Công việc cũng như vị trí mà một kỹ sư Vật lý có thể đảm nhiệm là gì?

Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel – Là một cánh chim đầu đàn trong công cuộc thúc đẩy cuộc Cách mạng CN 4.0 ở Việt Nam, là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của những nhân tài công nghệ (chế độ tốt, môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, hiện đại và hội nhập). Hiện nay, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel là một mảnh đất lành quy tụ nhiều Kỹ sư tốt nghiệp từ Viện Vật lý kỹ thuật – ĐHBK HN. Mời bạn đọc đến với bài phỏng vấn anh Kiều Vũ Thắng – để tìm câu trả lời cũng như nghe những chia sẻ của anh nhé!

Em chào anh ạ, thưa anh em là thành viên Đội truyền thông Viện Vật lý kỹ thuật – ĐHBK Hà Nội. Hôm nay em được nhận nhiệm vụ phỏng vấn anh – một cựu sinh viên tiêu biểu của Viện,anh có thể giành chút thời gian để trả lời phỏng vấn được không ạ?

– Hi em, ok em nhé, anh cũng chưa phải là sinh viên tiêu biểu đâu, chỉ là anh cũng muốn truyền cảm hứng lại cho các em khóa sau thôi, anh sẵn sàng rồi nhé!

Em cảm ơn anh đã nhận lời ạ! Đầu tiên em xin phép anh giới thiệu đôi chút về bản thân mình, về ngành học và khóa học mà ạnh đã học ạ.

– À, anh tên là Kiều Vũ Thắng, cựu sinh viên Vật lý kỹ thuật K59. Anh theo chuyên ngành Quang học & Quang điện tử, Viện Vật lý kỹ thuật.

Vậy là anh vừa mới Tốt nghiệp đúng không ạ. Em được biết anh hiện là Kỹ sư nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Viettel. Cho em hỏi là lý gì mà đưa anh tới quyết định lựa chọn công việc này ạ?

– Đúng vậy, anh vừa trải qua buổi lễ Tốt nghiệp vào ngày 19/5 vừa rồi. Đó có lẽ là những giây phút đầy cảm xúc trong quãng thời gian học tập tại Bách khoa.- Hiện tại anh đang làm việc tại Phòng nghiên cứu Quang hồng ngoại, trung tâm Quang điện tử, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel. Trong quá trình học tập, trong anh luôn có đam mê nghiên cứu khoa học và mong muốn đặt niềm đam mê đó vào các dòng sản phẩm thực tế. Nó mang lại cho mình cảm giác là một con người có ích cho xã hội. Anh bắt đầu tìm kiếm cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp vào cuối kì hai năm thứ 4. Qua thông tin từ một số anh chị khóa trước, cộng với nguồn thông tin từ mạng xã hội anh đã quyết định chọn đây là nơi để thử thách bản thân. Trải qua quá trình thực tập, cộng tác viên, anh đã trở thành kỹ sư tại Viettel.

Oh… Chắc hẳn là anh đã cân nhắc rất kỹ với quyết định này ạ… Vậy cụ thể ở Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel thì công việc của anh là gì ạ?

– Công việc hiện tại của anh là xử lý tín hiệu cho cảm biến ảnh nhiệt (Infrared Signal Processing) và đáp ứng theo yêu cầu của các dự án.

Dạ vâng ạ. Em có được nghe và tìm hiểu qua về cảm biến, nhưng mà lần đầu em nghe thấy Cảm biến ảnh nhiệt ạ :)) Thưa anh, Bách Khoa nói riêng và các trường đại học nói chung có rất nhiều chương trình đào tạo với các chuyên ngành khác nhau. Vậy tại sao anh lại chọn học ngành Vật lý kỹ thuật của Viện Vật lý kỹ thuật ạ?

– Xin giới thiệu qua một chút về dòng cảm biến này: Cảm biến sử dụng vật liệu bán dẫn, khi được chiếu sáng với bước sóng thích hợp làm giá trị điện trở thay đổi. Sự thay đổi này được chuyển về tín hiệu dạng số và trả về hình ảnh tương ứng. Cảm biến ảnh nhiệt được ứng dụng trong các thiết bị nhìn đêm.- Về câu hỏi thứ hai, học Vật lý đem lại khả năng quan sát và phân tích các hiện tượng một cách sâu sắc toàn diện trên nhiều khía cạnh, từ đó giúp mình tư duy xử lý vấn đề tốt hơn. Đó là sự cần thiết để mình thực hiện đam mê.

Theo anh, ưu thế của sinh viên Vật lý nhận được sau này có thể áp dụng được trong môi trường doanh nghiệp như thế nào anh ạ,? Những kiến thức, kỹ năng được rèn luyện ở trường đã giúp anh như thế nào trong công việc ạ?

– Chương trình kỹ sư Vật lý kỹ thuật cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ sở chuyên môn vững chắc để thích ứng tốt với những công việc khác nhau trong lĩnh vực rộng của ngành Vật lý Kỹ thuật. Ngoài ra, quá trình học tập tại viện vật lý kỹ thuật cũng đem lại kiến thức cơ sở về các thiết bị thực nghiệm, thiết kế kỹ thuật, đo lường, thu thập và phân tích, giải thích dữ liệu. Điều đó giúp sinh viên Vật lý giải quyết bài toán mà các doanh nghiệp đưa ra một cách chủ động.

Vâng, ở Bách Khoa nói chung các ngành có chương trình học khá nặng, vậy khi học anh có gặp khó khăn gì không, và anh đã giải quyết điều đó như thế nào ạ?

– Khó khăn gặp phải đó là lượng kiến thức lớn từ bài giảng của các thầy cô. Để vượt qua vấn đề này, mình phải tập trung ghi nhớ lại những nội dung quan trọng bám sát theo mỗi môn học. Đồng thời với đó là việc tìm các kiến thức liên quan nhằm giải thích cho những hiện tượng hoặc công thức được đưa ra. Điều đó giúp cho mình hiểu vấn đề sâu sắc và toàn diện.

Anh Kiều Vũ Thắng (trái) – Ảnh: NVCC

Em được biết thời sinh viên anh làm nghiên cứu khoa học rất tốt ạ, anh tham gia NCKH từ khi nào ạ, và anh thấy việc làm NCKH giúp sinh viên có những lợi ích gì?

Anh tham gia NCKH khá muộn từ kì hai năm thứ 3. Anh đã thực tập và làm đồ án cùng tiến sỹ Nguyễn Thanh Tùng tại phòng Vật liệu từ và siêu dẫn, Viện hàn lâm KHCN. Quá trình làm việc cùng thầy đã đem lại cho anh khả năng nghiên cứu độc lập, khả năng phân tích vấn đề, chia vấn đề đó thành các bài toán nhỏ và giải quyết nó để đem lại những kết quả có ích.

Dạ vâng ạ, Cho em hỏi về phương pháp học một chút ạ: ngoài giờ học trên lớp, anh sắp xếp thời gian tự học như thế nào ạ? Anh có thường xuyên lên thư viện không ạ?

– Sau giờ học trên lớp, anh thường note lại những chỗ chưa hiểu, sau đó tự mày mò để giải quyết vấn đề. Hướng thứ hai là tham khảo ý kiến từ bạn bè hoặc liên hệ trực tiếp với các thầy cô bộ môn để có được câu trả lời phù hợp. Anh đặc biệt dành thời gian khoảng 1 tháng trước ngày thi để ôn tập.- Về vấn đề thư viện, khi nào có sự trao đổi kiến thức giữa mọi người thì anh sẽ lên thư viện để ôn thi. Nếu không anh thường dành thời gian ôn thi tại nhà, vì về nguyên lý thì thời gian di chuyển từ nhà lên thư viện dùng để ôn thi sẽ có ích hơn.

Đúng rồi ạ, em thấy khoảng thời gian gần thi các bạn hay lên thư viện đông lắm, mà như thế nếu là học nhóm sẽ ổn hơn, nếu là tự học chắc sẽ không tập trung và hữu hiệu hơn là ôn tập ở nhà anh ạ.Theo anh, sinh viên có nên đi làm thêm không ạ? Nếu có anh có thể chia sẻ kinh nghiệm và lời khuyên cho các bạn sinh viên được không ạ?

– Đối với những bạn sinh viên có hoàn cảnh không quá khó khăn, gia đình vẫn trang trải được thì theo anh việc đi làm thêm cần dựa trên những tiêu chí sau: i) Việc làm thêm có giúp cải thiện kỹ năng, kiến thức chuyên môn không?ii) Việc làm thêm có giúp cải thiện kỹ năng mềm không? (thuyết trình, khả năng giao tiếp, tiếng anh)Đối với anh, khả năng nghiên cứu khoa học và ngoại ngữ là hai yếu tố quan trọng nhất của sinh viên. Do vậy, trước khi quyết định có đi làm thêm hay không, bản thân mỗi người cần có sự so sánh đánh giá hai yếu tố này với những tiêu chí ở trên để có lựa chọn cuối cùng.

Vâng ạ, lời khuyên từ anh rất hữu ích cho chúng em ạ!Anh có thể chia sẻ cho các bạn sinh viên về những kỉ niệm đáng nhớ khi còn học tập tại Viện VLKT không ạ?

– Do anh NCKH khá muộn từ kì 2 năm 3 và cũng thực hiện ngoài viện nên anh không có nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Tuy nhiên anh rất ấn tượng với sự nhiệt tình giúp đỡ của các thầy cô viện mình. Anh biết có những thầy thức đến 3, 4h sáng để rep mail giải bài tập cho sinh viên ????????????

Dạ. Thưa anh, em biết là chất lượng đào tạo của các ngành ở Bách Khoa đều tốt, em muốn hỏi về các vị trí phù hợp mà sinh viên có thể làm việc sau khi tốt nghiệp ạ. Anh thấy cơ hội việc làm sau khi ra trường của sinh viên Viện mình như thế nào ạ? Bên công ty anh làm hiện có nhiều cựu sinh viên học Vật lý không ạ?

– Sinh viên tốt nghiệp Vật lý kỹ thuật có cơ hội lớn để nhận học bổng từ hàn quốc, nhật bản. Ngoài ra nếu định hướng đi làm, theo mình được biết hiện nay thì các bạn có thể ứng tuyển vào các vị trí Kỹ sư quản lý chất lượng sản phẩm, Kỹ sư Vận hành hệ thống, làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế, thiết bị thí nghiệm, thiết bị chiếu sáng,…- Tại địa điểm anh đang làm việc cũng có khá nhiều sinh viên VLKT như anh Mai Đức Luân – quản lý chất lượng sản phẩm, cựu sinh viên K50 (đã chuyển qua VinTech), anh Vũ Thành Đạt – thiết kế lens, cựu sinh viên K58, chị Nguyễn Trung Anh, Cao Xuân Dục – nghiên cứu laser đo xa.

Thưa anh, với công việc hiện tại của mình chắc hẳn rằng anh đã khá hài lòng rồi ạ. Anh có dự định gì về việc học thêm kiến thức cũng như về công việc của mình trong thời gian tới không ạ?

– Thế giới không ngừng thay đổi, và nếu như dậm chân tại chỗ, chính bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên người tính không bằng trời tính, vì vậy vấn đề này anh xin phép không bàn thêm về vấn đề này.

Vâng ạ. Cuối cùng, theo anh sinh viên nói chung và sinh viên Vật lý nói riêng cần phải làm gì để bắt kịp với thời đại công nghiệp 4.0? Anh có điều gì muốn nhắn gửi tới các thầy cô và các bạn Viện VLKT không ạ?

– Bên cạnh kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ tốt là một yếu tố không thể thiếu. Nó giúp ích cho các bạn rất nhiều trong khả năng viết báo, tham gia các hội thảo trong ngoài nước và cơ hội du học. Ngoài ra các bạn sinh viên cũng nên trau dồi khả năng giao tiếp và thuyết trình của mình. Việc NCKH cần được bắt đầu sớm, theo mình là từ kì 1 năm hai, đó là lúc các bạn đã quen với học tập và làm việc tại môi trường mới. Việc bắt đầu nghiên cứu khoa học sớm giúp các bạn có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị những thứ cần thiết cũng như định hướng cho tương lai của bản thân.Với những hành trang đó, các bạn luôn sẵn sàng đối đầu với những thử thách trong cuộc sống.- Mình xin chân thành cảm ơn các thầy cô tại viện VLKT đã dành nhiều tâm huyết truyền đạt lại kiến thức để mình hoàn thành chương trình học.Mình xin chân thành cảm ơn thầy Nguyễn Thanh Tùng, đã để lại những lời góp ý và kinh nghiệm quý báu giúp mình hoàn thiện bản thân.

Cảm ơn anh rất nhiều vì dù bận rộn vẫn dành thời gian trả lời phỏng vấn ạ!Chúc anh mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công! Chúc những dự định của anh sẽ sớm trở thành hiện thực và hy vọng rằng anh sẽ tiếp tục đồng hành với Viện trong các hoạt động hướng nghiệp cho các bạn sinh viên và xây dựng cộng đồng cựu sinh viên Vật lý kỹ thuật, cựu sinh viên Bách Khoa Hà Nội, mạnh và bền vững!

Xin chân thành cảm ơn em!

Thực hiện: Vũ Tiến Lâm