Cựu sinh viên Kỹ thuật Hạt nhân làm việc tại tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về Hệ thống xạ trị ung thư

Cựu sinh viên Kỹ thuật Hạt nhân làm việc tại tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về Hệ thống xạ trị ung thư

Nguyễn Công Chiến nhận bằng Kỹ sư Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường (khóa 48), Đại học Bách khoa Hà nội năm 2008. Ngay sau khi kết thúc năm học thứ 3, từ kỳ nghỉ hè năm 2006, được sự giới thiệu của thầy Nguyễn Tất Thắng (Chủ nhiệm lớp K48),Chiến cùng hai sinh viên K47 (Trần Bá Bách và Nguyễn Thanh Tân) đã tham gia thực tập và nghiên cứu tại công ty MED-AID Việt Nam (http://med-aid.vn/), một thành viên của công ty phát triển phần mềm hệ thống xạ trị hàng đầu thế giới Prowess, Inc (https://prowess.com/) có trụ sở tại bang California, Mỹ. Khi đó Chiến tham gia vào Phòng Nghiên cứu và Phát triển, chuyên về nghiên cứu và triển khai hệ thống lập kế hoạch xạ trị, hệ thống lưu giữ và kiểm chứng cho phương pháp xạ trị. Nhóm của Chiến khi đó đã tham gia vào lắp đặt và triển khai hệ thống xạ trị dùng máy gia tốc tuyến tính (LINAC) cho Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà nội.

Tại công ty thực tập này, dưới sự hướng dẫn của anh Nguyễn Thái Bình người của công ty, khi đó là anh Bình đang làm PhD tại Đại học Cambridge về chuyên ngành Vật lý Y khoa (Medical Physics) , Chiến được tiếp cận nhiều tài liệu nước ngoài, bài báo khoa học quốc tế về lĩnh vực này. Với nền tảng kiến thức được trang bị rất tốt của Sinh viên Vật lý Kỹ Thuật, cũng như Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường, Chiến đã rất dễ dàng trong việc tìm hiểu và nhen nhóm niền đam mê tìm về một mảng ứng dụng vô cùng hấp dẫn của Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Kỹ thuật. Đó là Ứng dụng của Vật lý trong Y tế – Xạ trị ung thư. Trong lĩnh vực này, sinh viên tốt nghiệp Kỹ thuật Hạt nhân, có thể làm việc với vai trò là Kỹ sư Vật lý Y học (trên thế giới gọi là Medical Physicist), một công việc vô cùng “hot” và đặc biệt quan trọng trên thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển.

Năm 2009, được giới thiệu và tiến cử của PGS.TS Phùng Văn Duân, khi đó là Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường, Chiến nhận được Học bổng chính phủ Nhật Bản (MEXT) học Thạc sỹ tại Đại học Hiroshima (Nhật Bản) về lĩnh vực ứng dụng năng lượng lượng tử (Quantum Energy Applications). Trong quá trình học tập Chiến đã được tham gia làm nghiên cứu và thí nghiệm tại Viện Khoa học Chiếu xạ Quốc gia – Nhật bản (National Institute of Radiological Sciences – NIRS), nay là Viện Khoa học và Kỹ thuật Lượng tử Quốc gia -Nhật bản (National Institutes for Quantum Science and Technology: https://www.qst.go.jp/ )

Năm 2011, Chiến bảo vệ luận văn Thạc sỹ với đề tài “Nghiên cứu đặc tính chùm neutron phát từ bia Li phủ Be trên máy gia tốc sử dụng cho xạ trị BNCT” sử dụng chương trình Monte Carlo mô phỏng vận chuyển hạt và ion nặng PHITS (Particle and Heavy Ion Transport code System) . BNCT (Boron neutron capture therapy) là phương pháp xạ trị tiên tiến kích hoạt dược chất mang Boron bằng chùm tia Neutron năng lượng thấp cỡ nhiệt và cận nhiệt (thermal and epi-thermal neutron, < 1 eV)

Sau khi nhận bằng Thạc sỹ tại Đại học Hiroshima (Nhật Bản), sau 3 vòng phỏng vấn, Chiến  vượt qua nhiều ứng viên khác để trở thành Kỹ sư thiết kế và phát triển hệ thống ứng dụng máy gia tốc trong y học tại tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản (https://www.shi.co.jp/industrial/en/index.html ) trong bộ phận Thiết bị Y tế và Khí cụ tiên tiến từ năm 2011 cho đến nay, tập trung chế tạo một số sản phẩm tiêu biểu như sau:

(1) Lĩnh vực thiết bị Y tế

a) Sản xuất, chế tạo máy gia tốc Cyclotron và hệ thống xạ trị tiên tiến Proton Therapy System. Máy gia tốc loại và hệ thống xạ trị này khá phức tạp, bao gồm cả hệ thống dẫn truyền proton, gantry quay 360 độ. Năng lượng gia tốc hạt proton lên tới 230 MeV. Hệ thống yêu cầu độ chính xác cơ khí cũng như điều khiển chùm proton rất cao.

Máy gia tốc Cyclotron.

b) Sản xuất, chế tạo máy gia tốc Cyclotron và hệ thống xạ trị tiên tiến BNCT: Máy gia tốc loại dùng cho xạ trị neutron này nhỏ hơn và đỡ phức tạp hơn so với hệ thống xạ trị proton.

Máy BNCT.

c) Sản xuất, chế tạo máy gia tốc Cyclotron dùng cho sản xuất dược chất đánh dấu – đồng vị phóng xạ trong chuẩn đoán hình ảnh PET (Positron Emission Tomography). Máy gia tốc loại này nhỏ, năng lượng thường dưới 30 MeV.

Máy PET.

2) Về lĩnh vực máy móc công nghiệp:

Chế tạo nhiều máy móc thiết bị công nghiệp khác nhau như máy dập, máy nâng dùng nam châm điện, Nam châm siêu dẫn dùng phát triển tinh thể đơn Silicon bằng phương pháp Czochralskifor (MCZ:Magnetic field applied Czochralski), thiết bị chế tạo màng mỏng CVD (Vacuum Deposition Devices) bằng kỹ thuật RPD (Reactive Plasma Deposition).

3) Về lĩnh vực khoa học và hàng không vũ trụ: Chế tạo máy gia tốc hạt cho nghiên cứu khoa học, và thiết bị vũ trụ ví dụ như đầu dò lấy mẫu để phân tích nghiên cứu các tiểu hành tinh.

 Tại công ty hiện nay, Chiến đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng như:

  • Phát triển Hệ thống xạ trị proton và xạ trị BNCT (xạ trị kích hoạt Boron bằng neutron). Hiện tại chuyên về Proton nhiều hơn.
  • Hợp tác giữa nhiều nhà cung cấp về Hệ thống lập kế hoạch xạ trị, Hệ thống thông tin xạ trị, tiêu chuẩn DICOM, v.v.
  • Lắp đặt và đào tạo khách hàng về hệ thống xạ trị Proton tại Nhật bản, Đài Loan, Hàn quốc.
  • Gặp gỡ khách hàng (bệnh viện), tổ chức họp định kỳ với khách hàng, lắng nghe ý kiến về nhu cầu và cải tiến hệ thống.
  • Đề xuất giải pháp cải tiến, và làm việc cùng các phòng ban khác nhau để cung cấp giải pháp cho các khách hàng.
  • Quản lý dự án phát triển hệ thống điều khiển.
  • Phát triển máy tiêm truyền chất phóng xạ (đồng vị) sau khi điều chế từ máy gia tốc cho bệnh nhân dùng cho máy xạ hình PET (Chụp cắt lớp phát xạ Positron). .
  • Hiện tại là thành viên Ủy ban xây dựng tiêu chuẩn IEC 62083: Medical electrical systems – Requirements for the safety of radiotherapy treatment planning systems
Chiến trong một chuyến công tác tại Hàn Quốc.