Trong thời đại công nghệ phát triển ngày càng nhanh và mạnh mẽ, việc đầu tư phát triển cho nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm đang ngày được quan tâm. Với ưu thế là có nền tảng kiến thức về kỹ thuật và công nghệ, các kỹ sư Vật lý kỹ thuật thể hiện là những người phù hợp cho vị trí kỹ sư R&D ở các công ty công nghệ cao. Hôm nay chúng ta sẽ trò chuyện với anh Nguyễn Ngô Tiến Phú, tân “cựu sinh viên Vật lý kỹ thuật K63”. Anh Phú tốt nghiệp chương trình học kỹ sư 5 năm chỉ trong 4,5 năm (tháng 3/2023) với tấm bằng Giỏi, và đặc biệt là khi nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 6/2023 anh đã chính thức trở thành kỹ sư tại Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel. Theo thông tin bên lề là lương khởi điểm của các kỹ sư R&D ở đây là rất đáng mơ ước.
*/Em chào anh ạ, em là Dũng sinh viên K66 ngành Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách Khoa Hà Nội ạ. Hôm nay, thay mặt đội truyền thông của Viện em xin cảm ơn anh đã đồng ý chia sẻ với bọn em từ góc nhìn của một tân kỹ sư ngành VLKT về công việc sau khi tốt nghiệp ạ. Đầu tiên anh có thể giới thiệu một chút về bản thân, ngành học, khóa học và công việc hiện tại được không ạ?
Chào em, anh là Nguyễn Ngô Tiến Phú, cựu sinh viên K63, chuyên ngành Vật liệu điện tử và công nghệ nano, Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh vừa tốt nghiệp ra trường vào tháng 3/2023 này (tức anh Phú kết thúc chương trình học kỹ sư 5 năm chỉ trong 4,5 năm với bằng loại Giỏi – người viết). Hiện anh đang là kỹ sư tại Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel.
*/Vậy là anh cũng vừa mới tốt nghiệp nhưng lại có một vị trí công việc rất nhiều người mơ ước ạ. Điều gì khiến anh đã lựa chọn công việc này và anh đánh giá như thế nào về môi trường làm việc hiện tại ạ?
Đầu năm thứ tư đại học, anh có thấy một bài đăng trên trang thông tin của Viện mình (fanpage và group) về việc tuyển sinh viên thực tập tại Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel. Anh có thử nộp hồ sơ và vượt qua các vòng phỏng vấn để được tham gia thực tập tại đây. Trong quá trình thực tập, được tham gia trực tiếp vào dự án lớn và thử sức với các bài toán khó – điều mà anh cảm thấy rất hứng thú. Hơn nữa, môi trường ở đây cũng đòi hỏi cao về năng lực và phẩm chất, xung quanh đều là các kỹ sư xuất sắc. Nên anh nghĩ đây là môi trường có thể giúp mình phát triển kỹ năng và tư duy. Vì thế, ngay sau khi bảo vệ đồ án, anh tiếp tục thi và phỏng vấn để trở thành nhân viên chính thức tại đây. Ah, nhân đây anh cũng nói, là cùng đợt với anh còn có bốn anh tân kỹ sư VLKT nữa cũng được công ty đồng ý tuyển dụng, nhưng do các anh ấy chưa có chứng chỉ tiếng Anh nên còn chờ vòng phỏng vấn cuối cùng.
*/Em được biết, Bách khoa Hà Nội nói riêng hay các trường đại học nói chung có rất nhiều chương trình đào tạo với các chuyên ngành khác nhau. Vậy, cho em hỏi là lý do nào đã đưa anh đến với ngành Vật lý kỹ thuật ạ?
Thời điểm anh học cấp 3 anh rất thích Bách Khoa nên khi đi thi đại học anh đặt mục tiêu sẽ đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội. VLKT là một trong những lựa chọn hàng đầu của anh vì thời cấp 2 và cấp 3 anh học khá tốt và hứng thú với môn Vật lý.
*/Anh có thể chia sẻ rõ hơn về công việc anh đang làm không ạ? Công việc (công đoạn) anh đang làm hiện tại có vận dụng nhiều đến kiến thức chuyên ngành đã học không?
Hiện tại, ở Viettel anh đang làm chủ yếu về mảng tính toán và mô phỏng. Từ các bài toán vật lý thực tiễn sẽ được mô hình hóa thông qua các thuật toán. Các kết quả tính toán sau đó được áp dụng để so sánh, đánh giá với kết quả thực nghiệm.
Công việc yêu cầu có các kiến thức nền tảng về vật lý (đặc biệt là vật lý cơ -nhiệt) để hiểu và giải các mô hình vật lý. Để có thể mô hình hóa các thuật toán thì ngôn ngữ lập trình sử dụng chủ yếu là Matlab, C/C++. Các ngôn ngữ lập trình này đã được giảng dạy trong chương trình của Viện VLKT thông qua các môn phương pháp tính toán trong Vật lý, Căn bản khoa học máy tính cho Kỹ sư vật lý. Các dữ liệu tính toán được xử lý và đánh giá. Đây là một kỹ năng rất quan trọng mà anh được học và áp dụng trong quá trình tham gia LAB nghiên cứu.
Khả năng đọc và tìm kiếm tài liệu, đặc biệt là tài liệu tiếng Anh cũng rất quan trọng vì hầu hết tài liệu đều là tài liệu tiếng Anh. Ngoài ra, các kỹ năng mềm như trình bày, giao tiếp và làm việc nhóm cũng rất được chú trọng để có thể truyền tải thông tin đến người xung quanh một cách hiệu quả.
*/Em được biết trong công ty anh cũng đang có một số cựu sinh viên ngành mình. Vậy mọi người làm ở những vị trí nào, có dễ dàng thích nghi với công việc không, và lợi thế của sinh viên ngành Vật lý trong mắt nhà tuyển dụng là gì ạ?
Hiện nay ở Trung tâm Quang điện tử, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel có rất nhiều kỹ sư là cựu sinh viên Vật lý kỹ thuật, có thể kể đến như là: anh Nguyễn Văn Hiếu (K60), là người hướng dẫn trực tiếp của anh ở Viettel; anh Vũ Thành Đạt (K58), Kỹ sư Quang học; anh Kiều Vũ Thắng (K59), trưởng nhóm nghiên cứu thuật toán ; anh Cao Xuân Dục (K59), Kỹ sư Laser; anh Nguyễn Tuấn Anh (KSTN K61), Kỹ sư Laser; và khá nhiều bạn sinh viên (K63, K64) hiện đang tham gia thực tập tại đây chủ yếu làm về Quang điện tử, Quang học, Laser, Cảm biến.
Việc thích nghi với công việc là tùy thuộc vào bản thân mỗi người, cá nhân anh thấy với sinh viên Viện mình hiện công tác ở đây đều thể hiện bản thân rất tốt và có chuyên môn cao. Nhờ có tư duy tốt nên khi mới ra trường, chỉ cần chăm chỉ học tập các kiến thức mới, sau đó thì mọi người hòa nhập với công việc rất nhanh.
Lợi thế của sinh viên viện mình là được học những kiến thức mà BK nói chung và VLKT nói riêng có thế mạnh, đặc biệt các mảng về Quang học, Quang điện tử, Laser, Bán dẫn,… Nhu cầu tuyển dụng các bạn sinh viên, kỹ sư có tố chất, chất lượng cao của các ngành này ở Viettel là rất nhiều.
*/Nhân đây em cũng muốn hỏi anh thêm là ngoài kiến thức được học trên trường thì anh đã tự học thêm những kiến thức bổ trợ nào để phát triển công việc một cách tốt nhất? Cũng như anh có thể đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên là cần trau dồi thêm những kỹ năng gì và cách học tập như thế nào để đạt hiệu quả cao không ạ?
Kỹ năng anh thấy quan trọng nhất là tiếng Anh, nên từ khi lên đại học anh đã tập trung đầu tư vào việc học ngoại ngữ rất nhiều. Mặc dù ở Viettel không đòi hỏi giao tiếp tiếng Anh nhiều nhưng việc đọc hiểu tài liệu tiếng Anh cực kỳ quan trọng vì chủ yếu các kiến thức về công nghệ cao và mới này đều chỉ có tài liệu bằng tiếng Anh. Như chia sẻ ở trên, việc chuẩn bị sẵn tiếng Anh đã giúp anh rút ngắn quy trình tuyển dụng. Các bạn cùng tốt nghiệp với anh vẫn đang chờ tuyển dụng vòng cuối chỉ vì chậm có chứng chỉ tiếng Anh.
Đối với các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn sắp tới sẽ vào trường. Anh nghĩ, các bạn hãy cố gắng thiết lập cho mình một mục tiêu để theo đuổi. Không cần quá xa vời chỉ đơn giản là các bạn muốn ra trường mình sẽ như thế nào (làm cho các công ty tập đoàn lớn, đi du học, khởi nghiệp,…) Khi có được mục tiêu rõ ràng, các bạn sẽ tự định hướng cho bản thân cần trau dồi những kỹ năng gì để thực hiện được những mục tiêu đó.
Việc học ở Bách Khoa theo anh là không khó nếu các bạn chăm chỉ dành thời gian tìm tòi trong các tài liệu được cung cấp. Ngoài ra thì chiến lược và phương pháp học cũng rất quan trọng. Ngày trước sau khi kết thúc kỳ 2 năm 1, CPA của anh chỉ được 2.15, phương pháp học lúc đó chỉ là học thuộc rồi giải đề quen tay khi sát ngày đi thi, nên khi đề gặp dạng lạ là lúng túng. Sau đó, anh cảm thấy cách học như vậy là không tốt nên thay đổi phương pháp học hiểu, đến lúc tốt nghiệp thì anh đạt CPA 3.43. Các bạn sinh viên mới vào trường dù năm nhất hay năm 2, CPA có thấp một chút thì cũng đừng lo lắng hay nản nhé, hãy cố gắng thay đổi phương pháp và chiến thuật một chút để có thể nâng cao CPA của mình nhé.
*/Anh có thể cho em biết đánh giá của anh về các môn học mà anh cho là hữu ích nhất với anh – môn học không chỉ đem lại kiến thức mà còn đem lại nhiều cách suy nghĩ mới, cũng như cách tư duy, kĩ năng,…?
Anh thấy trong khung đào tạo hiện tại, môn nào cũng có điểm tốt của nó. Mỗi môn đều để lại cho anh những ấn tượng riêng và những kỹ năng cần thiết, điển hình như:
Môn Vật lý và linh kiện bán dẫn: Đây là một môn rất quan trọng đối với chuyên ngành Vật liệu điện tử – Công nghệ nano, cung cấp các kiến thức về vật lý – bán dẫn, các kiến thức cơ bản của linh kiện điện tử bán dẫn,…môn học sẽ cung cấp rất nhiều kiến thức nền để có thể học tốt các môn học về sau. Đặc biệt, bọn anh may mắn được GS. Nguyễn Đức Chiến giảng dạy môn này, một người thầy tâm huyết và tận tình với những bài giảng điểm 10.
Môn Technical Writing and Presentation là một môn học cung cấp rất nhiều kỹ năng mềm, công cụ để có thể thực hành trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Bộ ba môn được các thế hệ sinh viên xem là “khó” của Viện là: Trường điện từ, Vật lý chất rắn, Vật lý thống kê. Thực sự thì ba môn này rất nhiều lý thuyết và đều là lý thuyết khó. Để học tốt các môn này, anh thấy cần phải có tính kiên trì để tránh nản khi gặp quá nhiều ký hiệu và lý thuyết khó, ngoài ra khả năng tìm kiếm thông tin và đọc thêm tài liệu cũng rất quan trọng để có thể hiểu và giải quyết được các bài toán ở trên lớp.
*/Ngoài việc học trên lớp, anh có tham gia NCKH không ạ? Nếu có thì anh đã tham gia từ khi nào ạ? Anh có thể chia sẻ về quá trình nghiên cứu, hay những khó khăn cũng như những lợi ích có được từ NCKH không ạ?
Anh tham gia nghiên cứu khoa học từ đầu năm 3 sau khi kết thúc 2 năm học đại cương. Anh tham gia vào LAB của PGS. TS Nguyễn Công Tú ở Bộ môn Vật liệu điện tử. Hướng nghiên cứu chủ yếu là các loại vật liệu điện sắc và ứng dụng. Quá trình tham gia LAB nghiên cứu anh được thầy và các anh chị trong LAB tận tình chỉ dẫn những bước nhỏ nhất từ phong cách làm việc, làm thí nghiệm đến việc phân tích và đánh giá kết quả.
Nghiên cứu khoa học là một quá trình dài đòi hỏi sự kiên trì và bền bỉ rất lớn. Trong quá trình ấy, bản thân anh được trải qua các vấn đề khó giúp cho khả năng tư duy phân tích tốt hơn, rất nhiều kỹ năng, công cụ được học thông qua sự chỉ dẫn từ thầy và các anh chị khóa trên có kinh nghiệm,.. Ngoài ra, tham gia nghiên cứu khoa học sớm có thể giúp cho các bạn có cơ hội đăng các bài báo khoa học (trong nước và cả quốc tế) nếu có kết quả tốt. Đây sẽ là một lợi thế lớn khi các bạn có kế hoạch nộp hồ sơ xin các học bổng du học ở nước ngoài, tuyển dụng vào các công ty, tập đoàn lớn,…
*/Ngoài lề 1 chút ạ, anh có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ về trường, về thầy cô, bạn bè và những trải nghiệm khi còn là sinh viên Bách Khoa không ạ?Kỷ niệm thú vị với anh trong thời gian sinh viên là đóng phạt ở LAB. Mỗi lỗi trong quá trình làm việc ở LAB sẽ “được” phạt 1 slot (tương ứng 20k), cuối kỳ tổng kết lại LAB sẽ làm một buổi liên hoan. Mặc dù anh bị phạt rất nhiều nhưng điều này đã giúp anh chỉn chu hơn trong công việc và tính cách. Hoặc là mỗi khi thi xong cuối kỳ, nhóm bạn sẽ tổ chức đi chơi, đi ăn hay đi chơi điện tử xuyên đêm để giải tỏa sau những ngày thi căng thẳng.
*/Đó thực sự là những kỉ niệm rất ấn tượng ạ! Thay mặt đội truyền thông và các bạn sinh viên trong Viện, em xin cảm ơn anh đã dành thời gian phỏng vấn để chia sẻ cho em và các bạn nhiều bài học, lời khuyên bổ ích ạ. Em xin chúc anh luôn mạnh khỏe, hạnh phúc trong cuộc sống và thành công với những dự định của mình ạ!
Anh cảm ơn em. Chúc em và các bạn học tập tốt và đạt nhiều thành công nhé!
Thực hiện: Việt Dũng
Nguồn: https://prsep.wordpress.com/2023/06/30/ky-su-rd-trong-cong-ty-cong-nghe-cao-voi-luong-khoi-diem-dang-mo-uoc/