Anh Cao Xuân Dục, cựu sinh viên K59 Viện Vật lý kỹ thuật và cũng là cựu học sinh của Trường Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ. Anh chọn ngành Vật lý kỹ thuật vì đam mê Vật lý của mình. Với nền tảng là kiến thức Vật lý, niềm đam mê, tính cách hòa đồng, vui tính… anh đã khẳng định được vị trí của mình ở môi trường đòi hỏi không chỉ năng lực mà còn tinh thần không ngừng học hỏi – Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel.
Một số kết quả mà anh đạt được:
- Tiếng Anh khi ra trường: 815 Toeic
- Giải nhất cuộc thi Hùng biện Học-Làm-Chơi của SEP Club, Viện Vật lý kỹ thuật năm 2016 về chủ đề Thái độ học tập của sinh viên.
Công thức thành công: Kiến thức chuyên ngành + Tiếng Anh + Kĩ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm) + Sự cởi mở trong việc học hỏi kiến thức mới + Sự chuẩn bị từ trước.
Về khó khăn khi học ở Bách Khoa, với anh không khó khăn gì mấy, vì anh là người nói nhiều, vui vẻ, hòa đồng nên anh suy nghĩ mọi chuyện đều khá lạc quan. Phương châm của anh là ” Sống là phải điềm đạm ” (cười). Nhưng vấn đề lớn nhất với anh là anh không biết anh thích gì và anh muốn làm gì. Điều ấy rất nguy hiểm và ảnh hưởng rất lớn đến định hướng của mình trong tương lai. (Các bạn đừng thấy anh ấy bảo không khó khăn mà tưởng dễ nhé, dù gì anh ấy cũng là cựu học sinh Chuyên – lời người viết)
Hồi mới vào Trường, anh cũng chưa xây dựng được một kế hoạch gì đâu. Hồi đó anh chỉ biết search google thôi (ha ha ha), nhưng đọc nó chỉ ra toàn triết lí xa vời, đọc xong vẫn mông lung không thu được kết quả gì hết. Mãi sau này anh mới hiểu ra 1 điều, muốn biết bản thân em thích gì, chỉ có một cách là phải thử (lại cười ha ha). Theo anh thấy, không quan trọng em học ngành gì, nếu thấy thích hãy cứ thử – nhưng phải thử ở môi trường an toàn nhé. Ví dụ Bách Khoa là một môi trường rất an toàn để em thử, dù gì vào đây cũng được rèn đủ thứ chắc em cũng bắt đầu thấm rồi nhỉ. Em học Bách Khoa mà thích kinh doanh, ko sao hết, hãy cứ tìm hiểu rồi buôn bán thử – đầy kĩ sư ra trường làm sale kĩ thuật nhưng vì họ có nền tảng kĩ thuật nên nói về kĩ thuật mới đúng và người mua mới mua. Cụ thể, em học Vật lí mà thích lập trình để thành hacker, ko sao hết, laptop có đấy rồi, kiến thức google đầy ra, thử đi… Nói chung phải thử thì mới biết mình thích gì, khi em thật sự thích một cái gì đó, có thể em sẽ không phải người giỏi nhất về nó, nhưng chắc chắn nó sẽ là cái mà em làm được tốt nhất.
Về công việc hiện nay, nói thế nào nhỉ, thật ra anh không chọn công việc mà công việc chọn anh (cười). Hồi đó anh học kì cuối cùng thời đại học, anh vốn định sẽ thử làm ở một công ty đa quốc gia nên anh cố gắng chuẩn bị cho mình 1 chứng chỉ tiếng Anh và 1 chứng chỉ tiếng Hàn để sẵn sàng nộp hồ sơ (kế hoạch và tầm nhìn tương lai là đây các bạn ah – lời người viết). Khi anh vừa thì Toeic xong, đang chuẩn bị kế hoạch học tiếng Hàn thì tình cờ Viettel tuyển thực tập sinh. Anh cũng tò mò nộp hồ sơ thử và đi phỏng vấn với mong muốn chỉ là lấy kinh nghiệm (cười). May mắn thay, anh và một bạn nữa cũng K59 trúng tuyển. Thế là anh vào thực tập ở đó rồi ra Trường xong thì anh vào làm chính thức luôn. Anh hài lòng với công việc này vì anh được tiếp xúc với những chuyên gia hàng đầu, những người giỏi nhất,…anh cố gắng học cách tư duy và cách làm việc từ họ để hoàn thiện bản thân.
Theo anh thì công việc này phù hợp với ngành đào tạo – Vật liệu điện tử (Vật lý kỹ thuật) không? Công việc này đòi hỏi những yêu cầu hay năng lực gì ạ?
Vị trí của anh là Kỹ sư laser là hoàn toàn phù hợp với ngành Vật liệu điện tử – bán dẫn. Về năng lực thì đầu tiên chắc chắn rồi là kiến thức chuyên môn. Ngành mình là ngành Vật lí, anh nghĩ sẽ là một lợi thế cho các bạn nào học giỏi bộ môn này, nhất là Vật lí bán dẫn, Vật lý chất rắn cùng với nền tảng Vật lý đại cương 1,2,3. Anh tin rằng tư duy của 1 người học giỏi Lý sẽ làm việc rất hiệu quả. Bên cạnh kiến thức chuyên ngành, theo anh một cái rất cần nữa là việc sẵn sàng đón nhận và học các kiến thức mới. Em yên tâm với nền tảng tư duy logic của người giỏi Lý, của một Kỹ sư và phương pháp học đã có, em học các kiến thức mới kể cả trái ngành cũng sẽ khá nhanh. Chỗ này em chú ý thêm việc có tiếng Anh tốt để đọc tài liệu tiếng Anh nhé. Kiến thức mới thường là bằng tiếng Anh chứ không có tiếng Việt đâu.
Trong quá trình làm việc anh thấy rằng để làm tốt công việc, kiến thức chỉ chiếm cỡ 50% năng lực cần có của một Kỹ sư. Cái quan trọng thứ 2 là kĩ năng mềm, cụ thể là ngoại ngữ, kĩ năng giao tiếp, làm việc nhóm. Em học giỏi nhưng em không thể trao đổi với người khác, em không thể đọc tài liệu nước ngoài, em ko thể kết hợp với đồng nghiệp thì cũng ko thể làm việc hiệu quả.
Theo em biết là các công ty lớn đặc biệt các công ty công nghệ cao ưu tiên tuyển sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi, tuy nhiên học ở Bách Khoa khá khó đạt được bằng giỏi. Như trường hợp của anh, dù chỉ là bằng khá (CPA 2.9) nhưng anh vẫn được nhận vào làm việc từ trước khi tốt nghiệp? Anh có chia sẻ gì về phương pháp học tập cho các bạn sinh viên năm nhất không ạ?
(Cười) Nói đến Bách Khoa người ta thường nói đến trượt môn và điểm thấp, theo anh thì không phải hoàn toàn (lại cười). Anh nghĩ điểm thấp và trượt môn phải đến 80% nguyên nhân chính là do các bạn ấy ko chịu học đấy chứ (cười tiếp). Không cần chăm chỉ quá, chỉ cần để ý một chút và có ôn bài trước khi đi thi thì theo anh ít nhất cũng phải đủ qua môn (ha ha ha). Theo anh, khi học cần có phương pháp phù hợp với mục đích, anh chia thành hai mục đích chính: Một là để điểm cao và Hai là hiểu bài. Với mục tiêu điểm cao thì phương pháp chỉ có 1 mà thôi: chăm chỉ (cười to), chỉ có làm bài tập nhiều mới nâng cao kĩ năng giải đề của em, khó thì hỏi bạn, hỏi thầy. Hỏi càng nhiều thì rút ra càng được nhiều kinh nghiệm làm bài, nên khi đi thi khó nhầm lẫn được, điểm cao là điều dễ hiểu. Với mục tiêu thứ hai là hiểu môn học hay đơn giản là thấy thích thú môn học hay người dạy môn học này, muốn hiểu thật sâu để năm được kiến thức chuyên môn. Lúc này cần tự đặt nhiều câu hỏi vì sao lại thế này, tại sao lại thế kia, rồi tìm mọi cách để giải đáp câu hỏi đó. Anh thích các bạn có mục đích thứ hai (cười tiếp) vì các bạn đó có thể điểm ko cao (nhưng đội học theo mục tiêu này thường xuất sắc) nhưng ứng dụng môn học thực tế có lẽ sẽ tốt hơn các bạn khác.
Thời sinh viên của anh chắc có nhiều kỉ niệm khó quên. Anh có thể chia sẻ cho các bạn sinh viên về những kỉ niệm đáng nhớ khi còn học tập tại Viện VLKT không ạ?
Ấn tượng à?? Chẹp, nhiều phết đấy. Ấn tượng đầu tiên là anh may mắn được giải nhất cuộc thi thuyết trình do viện mình tổ chức (anh đã bảo anh giao tiếp giỏi rồi mà), lần đầu tiên anh được giải nhất 1 cuộc thi nên anh rất nhớ lần đó (cười). Tiếp theo là những kỉ niệm khi lên làm đồ án chém gió cùng các bạn và các em khóa dưới quên cả đo nhạy khí vật liệu mình đang làm (ha ha), cuối cùng là kỉ niệm hôm anh đi nhận bằng tốt nghiệp, hôm đó anh đã thật sự xúc động khi nghe thầy hiệu trưởng phát biểu câu:” Hôm nay các em là sinh viên Bách Khoa, ngày mai các em không còn là sinh viên Bách Khoa nữa rồi”…
Anh cũng có thể cho em biết anh có hối tiếc điều gì trong quá trình học ở Bách Khoa không? Nếu có thì điều gì làm anh tiếc nhất? Và nếu được làm lại, anh sẽ thay đổi điều gì?
Hối tiếc nhất là anh đã không cố gắng hơn để học hỏi, tìm ra cái mình thích sớm hơn để nỗ lực theo đuổi nó. Nếu có quay lại anh chắc chắn sẽ học hỏi nhiều hơn, thực hành nhiều hơn để lấy kinh nghiệm. Tuy nhiên, nó không đồng nghĩa với việc anh ân hận vì ngày xưa đã có những lần ham chơi trốn học, những lần đi học muộn hay ngủ khi đến lớp em biết không, ngoài kiến thức thì thứ vô giá nhất trường học cho em là kỉ niệm, sau này khi em nghĩ lại thì thứ em nhớ da diết nhất ko phải là những lúc em chăm chỉ nghe giảng bài, mà đó là những kí ức đẹp, những lần em vui chơi cùng với bạn, những lần rủ nhau đi chơi game,..
Nhưng đừng ảnh hưởng đến việc học là được nhé :)))
Cuối cùng, anh có lời khuyên gì cho các bạn sinh viên không ạ? (về kỹ năng mềm, thái độ, mục đích học tập, về việc NCKH, cách chọn việc làm, vv…). Anh có điều gì muốn nhắn gửi tới các thầy cô và các bạn Viện VLKT không ạ?
Trước tiên anh rất yêu quý các thầy cô trong viện, những người đã dìu dắt anh trong suốt quãng thời gian đại học, dạy dỗ cho anh nhiều kiến thức quý báu, đặc biệt anh dành sự kính trọng và yêu mến nhất tới Giáo sư Nguyễn Đức Chiến, một trong những người thầy mẫu mực nhất anh từng được gặp. Còn với các bạn sinh viên, anh chỉ muốn nói rằng, hãy tìm thứ các em đam mê và theo đuổi nó, cho dù các em không thành công ngay, nhưng ít nhất các em cũng tự hào và hài lòng vì được theo đuổi hết sức ước mơ của mình.
Em cảm ơn anh vì dù rất bận rộn vẫn dành thời gian trả lời phỏng vấn. Chúc anh mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công! Chúc những dự định của anh sẽ sớm trở thành hiện thực và hy vọng rằng anh sẽ tiếp tục đồng hành với Viện trong các hoạt độnghướng nghiệp cho các bạn sinh viên và xây dựng cộng đồng cựu sinh viên Vật lý kỹ thuật, cựu sinh viên Bách Khoa Hà Nội, mạnh và bền vững!
Thực hiện: Trần Thị Ngọc Huyền (PR-SEP)