Trần Bá Bách – Ứng dụng của Vật lý trong Y học qua lời kể của Kỹ sư Vật lý y khoa, bệnh viện Vinmec

Trần Bá Bách – Ứng dụng của Vật lý trong Y học qua lời kể của Kỹ sư Vật lý y khoa, bệnh viện Vinmec

Anh Trần Bá Bách là cựu sinh viên ngành Vật lý Hạt nhân (Vật lý kỹ thuật) K47, ĐHBK Hà Nội. Hiện nay anh đang là Kỹ sư Vật lý y khoa tại Khoa Xạ trị – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec (Tập đoàn Vingroup) – Times City – Hà Nội. Anh đã lựa chọn trở thành Kỹ sư Vật lý y khoa để có thể giúp chữa trị những bệnh nhân ung thư ngày càng nhiều hiện nay. Anh luôn đau đáu với việc không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức chuyên môn, các kinh nghiệm quý báu từ đồng nghiệp trong và ngoài nước đem về áp dụng vào điều trị xạ trị cho các bệnh nhân ung thư ở Việt Nam với mong muốn đem lại những điều tốt nhất, chất lượng điều trị tốt nhất, đem lại hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân. Dưới đây là một vài chia sẻ của anh Kỹ sư Vật lý y khoa, bệnh viện Vinmec (thuộc tập đoàn Vingroup) với các bạn sinh viên.

Em chào anh ạ. Em là Linh – thành viên đội truyền thông Viện VLKT, ĐHBK HN. Hôm nay, em rất vui và cảm ơn anh đã nhận lời trả lời phỏng vấn về cựu sinh viên thành công của Viện. Sau đây em xin phép được phỏng vấn anh một vài câu hỏi ạ.

Đầu tiên em xin phép anh giới thiệu đôi chút về bản thân mình, về ngành học và khóa học mà ạnh đã học ạ.

Chào em. Anh tên Trần Bá Bách, cựu sinh viên Viện Vật lý Kỹ thuật – Khóa 47 (2002-2007), chuyên ngành Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường. Anh thực hiện khóa luận tốt nghiệp với đề tài Tính toán liều lượng chùm bức xạ photon phát ra từ máy gia tốc tuyến tính trong xạ trị.

Oh. Vậy hiện tại công việc mà anh đang đảm nhiệm là gì ạ?

Năm nay (2019) anh đã tốt nghiệp được 12 năm rồi, sau khi ra trường anh làm việc cho một công ty cung cấp máy xạ trị và phần mềm lập kế hoạch xạ trị của Mỹ tại Việt Nam (Công ty Med-Aid) trong 7 năm, và hiện tại của anh là một Kỹ sư Vật lý Y khoa làm việc tại Khoa Xạ trị – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City – Hà Nội.

Thưa anh, từ khi còn học ở trường ĐH đến giờ chắc hẳn anh đã trải qua nhiều thăng trầm trong công việc và cuộc sống, theo anh, điều gì sẽ khiến mình có thể vượt qua được các khó khăn trong cuộc sống; điều gì khiến mình gắn bó với công việc lâu dài hay điều gì khiến anh lựa chọn công việc hiện nay; và những yếu tố nào làm nên thành công của anh ạ?

Một số khó khăn có thể kể ra như: Áp lực trong công việc, học tập, và trong cuộc sống,… Để vượt qua những khó khăn, này theo anh cần:· Xem lại lý do tại sao mình chọn công việc/ngành học này· Lên kế hoạch học tập/công việc và mục tiêu rõ ràng· Định vị bản thân đang ở đâu, mình cần đạt đến vị trí nào, minh đã có những gì và còn thiếu những gì và cần bao lâu để đạt được vị trí mong muốn. Từ đó bổ xung những thứ còn thiếu và chuẩn bị sẵn sàng cho vị trí mới.· Xây dựng niềm đam mê công việc cho bản thân để luôn thấy yêu công việc mà mình đã chọn, tìm cách để cải thiện chất lượng công việc đem lại giá trị cho người khác, cho chuyên ngành. · Cân bằng giữa công việc/học tập với cuộc sống để có sức khỏe, có tinh thần để tiếp tục phấn đấu và cống hiến.· Tìm người có thể chia sẻ, động viên và đồng hành cùng mình vượt qua khó khăn ????

Anh thấy những nhân tố gì về năng lực hay kinh nghiệm mà các cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn/ những nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên cần phải có ạ? Và anh thấy nhân tố nào là quan trọng nhất ạ?

Cả năng lực và kinh nghiệm đều là những yếu tố mà các cơ quan, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng cần ứng viên phải có. Thường thì những ứng viên có kinh nghiệm sẽ được ưu tiên hơn là bằng cấp, và cái mong muốn cuối cùng của nhà tuyển dụng là tuyển được ứng viên làm việc hiệu quả.

Thưa anh. Em được biết, Bách khoa nói riêng hay các trường ĐH nói chung có rất nhiều chương trình đào tạo với các chuyên ngành khác nhau. Vậy, cho em xin phép hỏi vì lý do nào mà anh lại chọn học ngành VLKT ạ?

Thông thường giai đoạn nào cũng có các chuyên ngành “hot”, ví dụ như ở khóa của anh thì các chuyên ngành “hot” như: Điều khiển tự động, Công nghệ thông tin… Thường thì sinh viên nào cũng mong muốn được vào các chuyên ngành “hot” như vậy. Tuy nhiên khi đi theo đám đông em cũng sẽ bị đám đông cuốn đi, em không làm chủ được cuộc chơi của mình và em sẽ chỉ là một chấm nhỏ trong bức tranh nhạt nhòa. Ngày trước anh chọn ngành Vật lý vì ngành này nằm trong kế hoạch lựa chọn của anh. Qua các buổi giới thiệu ngành nghề, anh thấy ngành này có ưu thế riêng, đặc biệt là ngành Kỹ thuật hạt nhân. Bên cạnh đó một lý do anh lựa chọn học ở Viện Vật lý Kỹ thuật là xuất phát từ những bài giảng rất cuốn hút của các thầy cô dạy Vật lý Đại cương.

Cụ thể hơn thì anh học theo định hướng chuyên ngành nào của ngành VLKT ạ? Theo anh thì công việc hiện tại của mình có phù hợp với chuyên ngành mà anh đã học không ạ?

Anh học chuyên ngành Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường. Cơ duyên ở học kỳ 2 năm thứ 4 anh được thầy Nguyễn Tất Thắng giới thiệu và biết đến Công ty Med-Aid làm về lĩnh vực xạ trị (ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị), sau phỏng vấn anh đã được chọn làm partime cho công ty ở Phòng R&D (sau đó là Phòng Vật lý). Sau đó anh đã lựa chọn theo học và làm về Vật lý Y khoa. Công việc trước đây ở công ty Med-Aid cũng như hiện nay tại Bệnh viện ĐKQT Vinmec là rất phù hợp với chuyên ngành Kỹ thuật hạt nhân mà anh đã chọn. Đến giờ anh cảm thấy hài lòng với công việc của mình và cảm thấy mình giúp đỡ được người khác khi làm công việc này.

Ngoài việc học trên lớp, anh có thường xuyên tham gia NCKH không ạ? Anh có thể chia sẻ với các bạn sinh viên về quá trình nghiên cứu, hay những khó khăn cũng như những lợi ích có được từ NCKH không ạ?

Khóa của anh thì phong trào NCKH có thể là chưa mạnh, hoặc cũng có thể là anh chưa quan tâm nhiều đến việc này nên chưa biết. Sau này đi làm và đi học Cao học anh mới quan tâm và tham gia NCKH. Có nhiều khó khăn trong NCKH, trước hết là việc đưa ra được ý tưởng nghiên cứu, nơi thực hiện nghiên cứu và các công cụ phục vụ nghiên cứu cũng như người có thể hướng dẫn mình thực hiện nghiên cứu. Ngoài ra, các tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu chủ yếu bằng Tiếng Anh cũng là một khó khăn. Khi tham gia NCKH đòi hỏi chúng ta phải đọc rất nhiều bài báo khoa học trong và ngoài nước, từ đó đem lại rất nhiều lợi ích: giúp chúng ta hiểu sâu kiến thức chuyên môn, từ đó có thể giải thích được nhiều câu hỏi do người khác hoặc chính chúng ta đặt ra, nâng cao tư duy phản biện, giúp chúng ta tự tin hơn với đồng nghiệp thầy cô, nâng cao trình độ ngoại ngữ, quan trọng nhất là nâng cao vị thế bản thân,…

Thưa anh, đến thời điểm này, với kinh nghiệm của anh, anh có thể cho chúng em biết đánh giá của anh về các môn học mà anh cho là hữu ích nhất với anh? Bên cạnh đó, các hoạt động, các khóa học hay những kĩ năng gì theo anh là cực kì cần thiết cho công việc của anh hiện nay mà có thể rèn luyện từ khi là sinh viên?

Các môn học chuyên ngành luôn là nền móng để từ đó có thể học hỏi những kiến thức mới, kỹ thuật mới áp dụng vào công việc. Về chuyên ngành Hạt nhân, có thể kể đến các môn học quan trọng như: Vật lý hạt nhân, Máy gia tốc, Ghi đo bức xạ, An toàn bức xạ,…Ngoài ra: Vật lý Tin học, Tiếng Anh chuyên ngành cũng là những môn giúp ích rất nhiều trong công việc.Theo quan điểm cá nhân anh, thì các bạn sinh viên có thể tham gia các khóa học ngoại ngữ lấy chứng chỉ IELTS/TOEFL,…

Ở Viện VLKT, anh đánh giá thế nào về sự gắn kết giữa các thầy/cô với các bạn sinh viên ở Viện mình? Điều đó có giúp ích cho các anh không ạ?

Các thầy cô ở Viện Vật lý rất thân thiện, yêu quý sinh viên và luôn mong các sinh viên của mình học tập đạt kết quả cao và ra trường có công việc ổn định. Các thầy cô giúp đỡ không điều kiện rất nhiều cho sinh viên, giới thiệu sinh viên đến những cơ quan, doanh nghiệp phù hợp chuyên ngành để sinh viên thực tập/làm việc. Điều này giúp sinh viên bọn anh cảm thấy rất ấm áp và yên tâm học tập/công tác.

Chắc hẳn là anh vẫn còn nhớ những kỷ niệm ấn tượng về trường, về Viện VLKT, về thầy cô, bạn bè khi còn là sinh viên ạ. Anh có thể chia sẻ cho các bạn sinh viên về những kỉ niệm này không ạ?

Kỷ niệm với bạn bè mà anh nhớ nhất đó là những lần học nhóm, lên thư viện quốc gia đọc sách để tìm lời giải cho bài tập lớn của thầy cô (Vật lý thống kê), hay những lần cùng nhau nghiên cứu tìm hiểu và lắp ghép ra con robot dò đường (Vật lý tin học),…Còn kỷ niệm với thầy cô mà anh nhớ nhất có lẽ đó là lần anh được thầy gọi đến nhà để dạy kèm cho anh hiểu và thi qua môn Cơ học lý thuyết, hay những lần đi làm thí nghiệm Vật lý điện tử, Vật lý hạt nhân, … được các thầy cô tận tình hướng dẫn, thực sự anh rất biết ơn các thầy cô.

Anh cũng có thể cho em biết anh có hối tiếc điều gì trong quá trình học ở Bách Khoa không? Nếu có thì điều gì làm anh tiếc nhất? Và nếu được làm lại, anh sẽ thay đổi điều gì?

Anh cảm thấy may mắn và không có gì để hối tiếc trong quá trình học tập ở Viện Vật lý Kỹ thuật – ĐHBK HN, nếu được lựa chọn lại anh vẫn chọn ngành này, và được làm lại anh sẽ tích cực học ngoại ngữ cũng như NCKH nhiều hơn.

Vậy còn những dự định của bản thân trong tương lai thì sao ạ? Anh thấy khi đi làm rồi việc học thêm các kiến thức mới có cần thiết không, và anh dự định hay đã tham gia các khóa học để tăng cường kiến thức như thế nào chưa ạ?

Anh sẽ luôn trau dồi kiến thức chuyên môn, và không ngừng học hỏi thêm các kiến thức mới, các kinh nghiệm quý báu từ đồng nghiệp trong và ngoài nước đem về áp dụng vào điều trị xạ trị cho các bệnh nhân ung thư ở Việt Nam với mong muốn đem lại những điều tốt nhất, chất lượng điều trị tốt nhất, đem lại hiệu quả điều trị cao nhất cho bệnh nhân.Sắp tới có thể anh sẽ làm Nghiên cứu sinh chuyên ngành Vật lý Hạt nhân/ Vật lý Y khoa, đồng thời tiếp tục tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, hội thảo khoa học về Xạ trị ở Nhật, Mỹ,…

Bên công ty của anh có thường xuyên tuyển dụng các bạn sinh viên VLKT nói riêng và sinh viên ĐHBK HN nói chung không ạ? Anh thấy chất lượng đào tạo của trường đã đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà tuyển dụng và sinh viên cần tạo thêm cho mình những yếu tố gì ngay từ bây giờ ạ?

Tại chuỗi các bệnh viện Vinmec mà anh đang làm việc có tuyển dụng các bạn là sinh viên VLKT nói riêng và sinh viên ĐHBKHN nói chung. Về kiến thức chuyên ngành cơ bản chất lượng đào tạo tại trường đã đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, tuy nhiên do đặc thù làm việc trong ngành y nên còn nhiều hạn chế về các kiến thức Y học. Việt Nam cũng chưa có ngành đào tạo Vật lý Y khoa. Gần đây anh được biết là Viện Vật lý kỹ thuật đã phát triển ngành Vật lý y học, anh nghĩ cơ hội của các Kỹ sư Vật lý y học sẽ rất lớn khi ngày càng nhiều bệnh viện cũng như trung tâm xạ trị được xây dựng.

Cuối cùng, anh có lời khuyên gì cho các bạn sinh viên và có điều gì muốn nhắn gửi tới các thầy cô Viện VLKT không ạ? Thưa anh.

Với các bạn sinh viên anh hy vọng các bạn hãy yêu quý và trân trọng ngành học của mình để có thể nuôi dưỡng đam mê trong học tập và công tác sau này. Hãy định vị bản thân, biết cách đặt ra mục tiêu thách thức khả năng của mình, không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân. Ngoài việc học tốt về chuyên môn, nên ưu tiên học thêm các kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Đồng thời tích cực và chủ động tham gia nghiên cứu khoa học sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn hội nhập sâu rộng ở xã hội toàn cầu hóa như hiện nay.Nhân đây, cho anh xin được gửi tới các thầy cô trong Viện Vật lý Kỹ thuật lời cảm ơn chân thành và sâu sắc, lời kính chúc các thầy cô luôn mạnh khỏe và hạnh phúc để tiếp tục đào tạo ra những con người tri thức đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Cảm ơn anh vì dù rất bận rộn vẫn dành thời gian trả lời phỏng vấn. Chúc anh mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công! Chúc những dự định của anh sẽ sớm trở thành hiện thực và hy vọng rằng anh sẽ tiếp tục đồng hành với Viện trong các hoạt động hướng nghiệp cho các bạn sinh viên và xây dựng cộng đồng cựu sinh viên Vật lý kỹ thuật, cựu sinh viên Bách Khoa Hà Nội, mạnh và bền vững!

Cảm ơn em, chúc em luôn mạnh khỏe, học tập tốt và sớm gặt hái được nhiều thành công cho sự nghiệp và công việc mà em đã đang và sẽ hướng tới.

Thực hiện: Mai Linh (PR-SEP Team)