Liệu Đức có “quay xe” với chính sách từ bỏ năng lượng hạt nhân suốt 2 thập kỷ ?

Liệu Đức có “quay xe” với chính sách từ bỏ năng lượng hạt nhân suốt 2 thập kỷ ?

Lịch sử hình thành phát triển và tình hình hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân tại Đức

Vào những năm 1950, việc nghiên cứu và phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình bắt đầu được thúc đẩy mạnh mẽ tại các nước phát triển như Mỹ, Nga, Châu Âu .v.v trong đó có nước Đức. Dựa trên sự hợp tác quốc tế sâu rộng, một số thiết kế khái niệm về lò phản ứng hạt nhân cũng như chu trình nhiên liệu hạt nhân khép kín và lưu giữ vĩnh viễn chất thải phóng xạ dưới tầng địa chất sâu đã được hình thành. Từ năm 1956 đến năm 1969, một số trung tâm nghiên cứu hạt nhân được thành lập ở Tây Đức. Hầu hết các trung tâm nghiên cứu này, cũng như các cơ sở đại học, đều được trang bị các lò phản ứng nghiên cứu. Với sự hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ hạt nhân Hoa Kỳ, Tây Đức bắt đầu phát triển các nhà máy điện hạt nhân thương mại (liên danh Siemens/Westinghouse với công nghệ lò phản ứng nước áp lực (PWR: Pressurized Water Reactor), liên danh AEG/General Electric với công nghệ lò phản ứng nước sôi (BWR: Boiling Water Reactor)).

Năm 1958, Tây Đức đặt hàng liên danh AEG/GE xây dựng nhà máy điện hạt nhân thử nghiệm đầu tiên (Versuchsatomkraftwerk Kahl, VAK) với công suất 16 MW điện, và nhà máy này đã đạt trạng thái tới hạn lần đầu vào năm 1960. Quá trình phát triển nội địa hoá công nghệ nhà máy điện hạt nhân của Tây Đức bắt đầu vào năm 1961, với công nghệ lò phản ứng nhiệt độ cao dạng pebble bed công suất 15 MW (điện) (Arbeitsgemeinschaft Versuchsreaktor tại Jülich, AVR) từ liên danh Arbeitsgemeinschaft Brown, Boveri & Cie. (BBC) / Krupp (BBC, hoặc Asea Brown Boveri Ltd. (ABB)). Các lò phản ứng công suất lớn hơn 250–350 MW (điện) và 600–700 MW (điện) được triển khai xây dựng từ năm 1965 đến 1970. Sau khoảng 15 năm, khoảng cách về công nghệ hạt nhân giữa Tây Đức và cộng đồng quốc tế đã được thu hẹp. Ngành công nghiệp hạt nhân Tây Đức đã nhận được những đơn đặt hàng đầu tiên từ nước ngoài, từ Hà Lan (Borssele) và từ Argentina (Atucha). Năm 1972, lò phản ứng lớn nhất thế giới thời điểm đó là Biblis A với công suất 1200 MW (điện) được xây dựng ở Tây Đức. Từ năm 1970 đến 1975, trung bình 03 tổ máy được đặt hàng xây dựng hàng năm. Năm 1969, Siemens và AEG thành lập công ty Kraftwerk Union (KWU) bằng cách hợp nhất các hoạt động liên quan đến hạt nhân tương ứng của họ và bắt đầu phát triển các nhà máy điện hạt nhân thương hiệu nội địa KWU, tập trung vào công nghệ PWRs. Dựa trên nhiều năm kinh nghiệm vận hành, họ giới thiệu nhà máy điện hạt nhân công nghệ PWR tiêu chuẩn công suất 1300 MW (điện) (gọi là ‘Konvoi’), chủ yếu để đẩy nhanh quá trình cấp phép. Ba tổ máy Konvoi bắt đầu đi vào vận hành năm 1988 và cũng là những tổ máy cuối cùng được xây dựng ở Tây Đức.

Cộng hòa Dân chủ Đức (tức là Đông Đức) bắt đầu phát triển chương trình ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình với sự hỗ trợ của Liên Xô cũ vào năm 1955. Năm 1956, Viện Vật lý Hạt nhân Trung ương được thành lập tại Rossendorf. Tại đây, một lò phản ứng nghiên cứu do Liên Xô cũ cung cấp bắt đầu vận hành vào năm 1957. Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Đông Đức (Rheinsberg) có công suất 70 MW (điện), công nghệ PWR kiểu Nga, được kết nối với lưới điện vào năm 1966. Từ năm 1974 đến năm 1979, các tổ máy số 1 đến 4 của nhà máy điện hạt nhân Greifswald bắt đầu vận hành, tất cả lò phản ứng này đều được trang bị công nghệ WWER-440/W-230 của Nga. Năm 1989, tổ máy số 5, cũng thuộc công nghệ lò phản ứng WWER-440/W-213, đang trong quá trình đưa vào vận hành.

Sau khi nước Đức thống nhất vào tháng 10 năm 1990, các đánh giá an toàn toàn diện đối với các nhà máy điện hạt nhân công nghệ Liên Xô được thực hiện. Những phân tích đánh giá này cho thấy những thiếu sót về an toàn so với các yêu cầu an toàn hạt nhân hiện tại của Tây Đức. Vì lý do kinh tế và kỹ thuật, đặc biệt là sự không chắc chắn trong quá trình cấp phép và cũng như nhu cầu tiêu thụ điện giảm, chính phủ Đức đã quyết định đóng cửa các nhà máy này. Công việc xây dựng đang tiến hành dở dang tại các nhà máy hạt nhân (Tổ máy 6, 7 và 8 tại Greifswald với các lò phản ứng công nghệ WWER-440/W-213 và hai lò phản ứng WWER-1000 gần Stendal) cũng bị dừng lại.

Sau khoảng thời gian phát triển bùng nổ về năng lượng hạt nhân trong những năm 50 và 60, sự hoài nghi về mức độ an toàn và hiệu quả của năng lượng hạt nhân bắt đầu gia tăng vào đầu những năm 1970. Ngày càng nhiều công dân phản đối những rủi ro của năng lượng hạt nhân và phản đối việc mở rộng thêm các nhà máy điện hạt nhân. Ở Tây Đức, những cái tên như Wyhl và Brokdorf (nhà máy điện hạt nhân), Gorleben (trung tâm quản lý chất thải), Wackersdorf (cơ sở tái chế) và Kalkar (lò phản ứng tái sinh) là từ đồng nghĩa với các cuộc biểu tình phản đối năng lượng hạt nhân. Sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island ở Harrisburg, Pennsylvania (Hoa Kỳ) năm 1979 và nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986, rõ ràng rủi ro của điện hạt nhân không chỉ đơn thuần là trên lý thuyết.

Năm 2000, chính phủ Đức đã ký kết một thỏa thuận với các công ty điện lực về việc loại bỏ sử dụng điện hạt nhân trong cơ cấu nguồn điện. Đạo luật Năng lượng Nguyên tử đã được sửa đổi cho phù hợp vào tháng 4 năm 2002. Tiếp theo đó là lệnh cấm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới được ban hành. Mỗi nhà máy điện hạt nhân được ấn định một lượng điện dư sao cho tổng sản lượng điện của nhà máy tương ứng với tuổi thọ trung bình là 32 năm. Về nguyên tắc, sản lượng điện có thể được chuyển đổi một cách hợp pháp giữa các nhà máy, nên không thể dự báo chính xác ngày ngừng hoạt động của mỗi nhà máy.

Kể từ năm 2010, chính phủ Liên bang đã tập trung vào chính sách sử dụng đa dạng hỗn hợp nguồn năng lượng, trong đó các nguồn năng lượng truyền thống dần được thay thế bằng nguồn năng lượng tái tạo. Sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, chính phủ Liên bang Đức đã quyết định chấm dứt sử dụng năng lượng hạt nhân vào năm 2022. Cho tới năm 2022, tại Đức còn 06 nhà máy điện hạt nhân (05 PWR và 01 BWR), với tổng công suất là 8.545 GWe, đang hoạt động. Theo tình hình pháp lý hiện tại, giấy phép vận hành của các nhà máy này sẽ hết hạn vào ngày ấn định dừng hoạt động hoặc thậm chí trước đó nếu sản lượng điện đạt giá trị như được liệt kê trong Đạo luật Năng lượng Nguyên tử hoặc hình thành từ việc chuyển giao lượng điện sản xuất cho phép.

Tình trạng (thời gian xây dựng và vận hành) của các nhà máy điện hạt nhân ở Đức.
Vị trí địa lý và tình trạng của các nhà máy điện hạt nhân tại Đức tính đến cuối tháng 4 năm 2020

Đức giữ ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng hoạt động theo chính sách U-turn (quay xe)

Các quan chức chính phủ Đức cho biết Đức có kế hoạch hoãn việc đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của nước này vì nước này có khả năng thiếu hụt năng lượng trong mùa đông này sau khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho nước này. Tạm thời động thái này được thúc đẩy bởi cuộc chiến kinh tế đang gia tăng với Nga, đánh dấu sự chệch hướng đầu tiên với chính sách từ bỏ năng lượng hạt nhân kéo dài hai thập kỷ được khởi xướng kể từ đầu những năm 2000 và đã được ghi nhận sự đồng thuận chính trị.

Hình ảnh quan sát từ trên không nhà máy điện hạt nhân Isar, bao gồm lò phản ứng Isar 2, vào ngày 14 tháng 8 năm 2022 tại Essenbach, Đức. Isar 2 là một trong ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vẫn còn hoạt động ở Đức và cả ba nhà máy này dự kiến đóng cửa vào cuối năm nay.

Quyết định này vẫn chưa được nội các của Thủ tướng Đức Olaf Scholz chính thức thông qua và có thể sẽ yêu cầu một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội. Một số chi tiết vẫn đang được thảo luận, 03 quan chức chính cấp cao phủ cho biết. Quyết định của nội các cũng sẽ cần phải chờ kết quả đánh giá nhu cầu năng lượng của Đức sẽ được kết luận trong những tuần tới nhưng các quan chức cho biết có thể bỏ qua điều này.

Tuy nhiên, trong khi quyết định chính thức có thể mất vài tuần, chính phủ tin rằng hai điều kiện quan trọng cho phép kéo dài tạm thời tuổi thọ của ba nhà máy còn lại, hiện dự kiến ​​đóng cửa vào ngày 31 tháng 12, đã được đáp ứng. Các quan chức cho biết Đức đang đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt và việc để các lò phản ứng tiếp tục hoạt động không gây mối lo ngại về an toàn. “Các lò phản ứng vẫn an toàn cho đến ngày 31 tháng 12 và rõ ràng là chúng sẽ vẫn vận hành an toàn sau ngày 31 tháng 12,” một quan chức cấp cao cho biết.

Tài liệu tham khảo:

https://cnpp.iaea.org/countryprofiles/Germany/Germany.htm

https://www.wsj.com/articles/germany-to-keep-last-three-nuclear-power-plants-running-in-policy-u-turn-11660661914

 

            Tổng hợp: TS. Nguyễn Văn Thái